Kết quả giải ngân đạt 0,84% kế hoạch năm
Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm tính trên dư nợ và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế.
Chương trình này áp dụng với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất thuộc các trường hợp: Có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đăng ký kinh doanh gồm: Hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin, trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản...
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước xác định 15 ngân hàng không thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, gồm: Bắc Á Bank, Oceanbank, GPbank, CBbank, Baovietbank, LPBank, NCB, SCB, VietAbank, DongAbank, TNHH MTV Hong Leong Việt Nam, Woori Việt Nam, Liên doanh Việt - Nga.
Riêng Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đến ngày 31/12/2022 có phát sinh dư nợ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng chưa phát sinh số tiền hỗ trợ lãi suất do chưa đến kỳ trả lãi.
14 ngân hàng thương mại khác có hỗ trợ lãi suất nhưng ở mức dưới 1 tỷ đồng là: ABBank, Banvietbank, Kienlongbank, NamAbank, MBbank, VIB, Saigonbank, Sacombank, PGbank, Eximbank...
Theo kế hoạch, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng qua hệ thống các ngân hàng thương mại năm 2022. Nhưng kết quả đạt được thấp, chỉ với 134 tỷ đồng, tương ứng 0.8% tổng mức hỗ trợ lãi suất đã đăng ký, bằng 0,84% kế hoạch năm 2022.
Kiểm toán Nhà nước xác định đến 31/3/2023, số lũy kế hỗ trợ lãi suất là 332 tỷ đồng, đạt 0,83%. Đến tháng 7/2023, con số này là 681 tỷ đồng, tương ứng 1,7% nguồn lực bố trí thực hiện chính sách.
Các ngân hàng thương mại nói gì?
Thông tin với Báo Giao thông, đại diện ABBank cho biết phía ngân hàng không gặp vướng mắc và cũng đã dành riêng gói vay nhằm thực hiện hỗ trợ theo Nghị định 31. Tuy nhiên, bên vay ngại khi phải đáp ứng nguyên tắc khắt khe của gói vay.
Đại diện VIB cho biết ngân hàng này chuyên về bán lẻ, trong khi đối tượng được hỗ trợ của chương trình là hợp tác xã và doanh nghiệp là khách hàng bán buôn. Một đối tượng nữa trong diện được hưởng hỗ trợ là "hộ kinh doanh" nhưng khái niệm hộ kinh doanh có nhiều cách hiểu. VIB đang trong quá trình phối hợp với các bên để có cách hiểu thống nhất và chính xác trước khi triển khai.
Vì lý do này nên con số hỗ trợ cũng hạn chế hơn so với các mô hình khác như ngân hàng bán buôn hay hỗn hợp.
Còn ngân hàng OCB cũng cho biết theo khảo sát thực tế, khách hàng (đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp) có tâm lý e ngại trong trường hợp tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải hoàn tất, bổ sung rất nhiều hồ sơ về tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh.
Ngoài ra, nhiều trường hợp khách hàng có nhu cầu tham gia lại không đáp ứng được các tiêu chí quy định của chương trình như: Không phù hợp về ngành, về loại hình khách hàng, khoản nợ đã được cơ cấu, thời gian giải ngân không phù hợp với quy định.
Báo cáo kiểm toán chỉ ra bên cạnh nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan từ các ngân hàng thương mại như chưa chủ động, tích cực triển khai chính sách; Không rà soát, thống kê được số hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo đánh giá chủ quan dẫn đến không triển khai chính sách hiệu quả. Một số ngân hàng rà soát, có hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế số tiền hỗ trợ lãi suất bằng 0...
Công tác truyền thông Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đi trước, chưa mang định hướng, thể hiện ở việc sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại chưa như kỳ vọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận