Ảnh minh họa |
Tại Hội thảo về truyền thông nguy cơ trong công tác tiêm chủng mở rộng diễn ra mới đây tại Ninh Bình, GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, vắc xin Quinvaxem được Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam đến năm 2020 với số lượng mỗi năm khoảng 4,5 triệu liều. Sau giai đoạn này, Việt Nam sẽ chủ động hoàn toàn về nguồn vắc xin, vì thế đến thời điểm đó sẽ cân nhắc lựa chọn vắc xin.
TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2015, 4,8 triệu liều vắc xin Quinvaxem đã được tiêm cho trẻ. Như vậy, có đến 92% trẻ em trong độ tuổi tiêm “5 trong 1” được tiêm Quinvaxem, còn chỉ 8% trẻ tiêm vắc xin dịch vụ Pentaxim.
Ghi nhận 3 nghìn trẻ phản ứng thông thường với vắc xin, trong đó có 32 ca phản ứng nặng (16 trường hợp tử vong) do nhiều nguyên nhân. Trong số này, tai biến tử vong sau tiêm vắc xin lao là 5 trường hợp, Quinvaxem 8 trường hợp và viêm gan B có 3 trường hợp.
“Người dân không nên quá lo lắng về các phản ứng sau tiêm vắc xin, nhất là vắc xin Quinvaxem. Bởi trên thực tế, phản ứng nặng sau tiêm Pentaxim và Quinvaxem là tương đương. Tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng không cao hơn các vắc xin khác”, ông Phu khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận