Ngày 7/12/1994, Hội đồng ICAO đã chính thức giao lại quyền điều hành phần phía Nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) cho Việt Nam
Cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường bay quốc nội và 36 đường bay quốc tế
Ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT TCT Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết: Cách đây tròn 26 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), ngày 7/12/1994, Hội đồng ICAO đã chính thức giao lại quyền điều hành phần phía Nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) cho Việt Nam.
Kể từ 0h01- giờ quốc tế, ngày 8/12/1994, Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh thuộc VATM đã chính thức thực hiện trách nhiệm điều hành hoạt động bay trong toàn bộ Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Đây là kết quả đấu tranh ngoại giao bền bỉ và khôn khéo của Việt Nam trên bàn hội nghị dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ cũng như sự đầu tư đúng đắn về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và con người của ngành HKVN nói chung và VATM nói riêng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt của ICAO.
Việc giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất to lớn về chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, đã trực tiếp tạo tiếng nói quan trọng trong các vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế về hoạt động hàng không dân dụng nói chung, công tác cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nói riêng; tạo sự chủ động cho các hoạt động bay quân sự của ta và gián tiếp hỗ trợ công tác bảo vệ vùng trời Tổ quốc.
Về mặt kinh tế, việc tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh đã giúp mở rộng vùng trời trách nhiệm điều hành bay của Việt Nam.
Hiện nay, với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích rộng gần 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải rộng tại 31 tỉnh, thành phố trong cả nước, Tổng công ty Quản lý bay VN đang trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường bay quốc nội và 36 đường bay quốc tế trong 2 vùng thông báo bay Hà Nội và Hồ Chí Minh, trong đó có 2 đường bay nằm trong số 10 đường bay có mật độ bay cao nhất thế giới, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.
Covid-19 khiến số chuyến bay điều hành giảm mạnh nhất trong lịch sử
Tổng kết 26 năm sau ngày tiếp nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh, Tổng công ty đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho gần 10 triệu chuyến bay, thực hiện xuất khẩu tại chỗ thu về ngoại tệ mạnh cho Nhà nước với doanh thu điều hành bay đạt gần 60 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt gần 30 ngàn tỷ đồng.
Năm 2019, sản lượng điều hành bay của Tổng công ty đạt 973 ngàn lần chuyến tăng gấp 8 lần so với năm 1994, doanh thu điều hành bay đạt hơn 6,3 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 3,4 ngàn tỷ đồng tăng khoảng 30 lần so với kết quả thực hiện năm 1994 (thời điểm trước khi nhận lại FIR Hồ Chí Minh). Kết quả này đã thể hiện rõ tính hiệu quả về lợi ích kinh tế của việc tiếp nhận lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh, đó là sự đóng góp to lớn rất đáng ghi nhận của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam với nền kinh tế quốc dân, góp phần phát triển đất nước.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới ngành hàng không thế giới cũng như Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội vận tải Hàng không thế giới (IATA), hoạt động đi lại bằng đường hàng không trên thế giới trong 9 tháng đầu năm 2020 đã giảm 86,5% so với cùng kỳ năm 2019. Do sự sụt giảm nghiêm trọng về hoạt động khai thác của các hãng hàng không dẫn đến sự sụt giảm lớn về các kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Ước tính đến hết tháng 12/2020, sản lượng điều hành bay của Tổng công ty chỉ đạt khoảng hơn 395 ngàn lần chuyến tương đương 40% so với thực hiện của năm 2019, trong đó hoạt động bay quá cảnh ước bằng 30,12%, hoạt động bay đi đến ước bằng 50,19% so với thực hiện của năm 2019. Doanh thu dự kiến đạt 2,4 ngàn tỉ đồng bằng 37,9% so với kết quả năm 2019.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận