Ngay nút giao An Phú, 15 phút đến quận 1, 10 phút đến hầm vượt sông Sài Gòn... Đó là những lời quảng cáo chắc nịch của nhân viên môi giới khi chị Lê Minh Ngọc (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) ngỏ ý mua căn hộ trên đường Nguyễn Duy Trinh.
Thế nhưng sau 5 năm trải nghiệm, chị Ngọc khẳng định chuyện 15 phút vào trung tâm mỗi sáng đi làm là "không thể".
Chật vật giờ cao điểm
An Phú là nút giao của 4 tuyến đường chính quan trọng của thành phố. Đó là đường Đồng Văn Cống, Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Mai Chí Thọ đi quận 1. Đặc biệt, đây là cửa ngõ ra vào cảng biển lớn nhất cả nước, cảng Cát Lái với hàng trăm nghìn lượt xe container ra vào mỗi ngày. Tuy nhiên, nơi đây hiện vẫn là nút giao đồng mức dạng ngã 5.
Để giảm bớt áp lực giao thông nơi đây, TP.HCM đã khởi công dự án nút giao thông An Phú với quy mô 3 tầng hồi cuối năm 2022. Công trình sẽ có hầm chui, cầu trên cao, dự kiến hoàn thành năm 2025. Mức đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cho đến nay, nơi này vẫn là điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng của thành phố do nhu cầu xe qua lại quá lớn.
"Chỉ có một tuyến đường vào trung tâm từ nhà tôi là đi vòng sang nút giao An Phú, nhưng vào buổi sáng hay chiều tan tầm, việc thoát khỏi đám đông để đến cột đèn tín hiệu cũng rất mệt mỏi", chị Lê Minh Ngọc nói.
Rút kinh nghiệm nhiều lần bị kẹt lại giữa dòng xe hỗn loạn, nữ nhân viên văn phòng cho biết luôn phải trừ hao thời gian di chuyển khoảng 45 phút để đến nơi làm việc đúng giờ.
Tương tự, với cánh tài xế chở hàng ra vào cảng Cát Lái, ông Nguyễn Văn Khánh (42 tuổi) cho biết, mất gần 30 phút để di chuyển qua nút giao này vào giờ cao điểm. Tính cả lúc quay ra, mỗi khi di chuyển vào cảng mất hơn một giờ. Mỗi ngày, ước tính có hàng chục nghìn lượt xe container qua đây.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết khối lượng dự án đến nay đạt hơn 30%. Một số đoạn đã thi công xong cọc khoan nhồi thí nghiệm, cọc đại trà ở giữa. Sắp tới, phạm vi thi công sẽ được mở rộng để đẩy khối lượng tăng lên.
Khi hoàn thành, nút giao được kỳ vọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực, đảm bảo giao thông thông suốt tại cửa ngõ phía đông thành phố và khu vực cảng Cát Lái.
Một dự án cửa ngõ quan trọng khác được TP.HCM đặt nhiều kỳ vọng khởi công hồi cuối năm 2022 là xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với Cộng Hòa (quận Tân Bình). Tuyến đường mới được xem là cửa ngõ thứ hai của sân bay Tân Sơn Nhất trong tương lai với tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng.
Dự án có chiều dài khoảng 4,4 km với lộ trình: Trần Quốc Hoàn - Thăng Long - trạm gác quân đội (Phan Thúc Duyện) - đường 18E - đường C2 - Hoàng Hoa Thám - đường C12 - Cộng Hòa.
Khi hoàn thành, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà phục vụ việc khai thác nhà ga hành khách T3, nâng công suất phục vụ của sân bay lên 50 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Hiện, TP.HCM tập trung khép kín vành đai 2, xây các tuyến đường giải tỏa điểm nóng sân bay Tân Sơn Nhất. 5 năm tới, thành phố ưu tiên thực hiện 3 tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương (mở rộng); tập trung các tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố cùng việc hoàn thành vành đai 3.
Người đông, nhưng đường hẹp
Sống tại khu Nam, Nguyễn Hoàng Quỳnh (27 tuổi, nhân viên một công ty công nghệ ở quận 4) cho biết, mất khoảng một giờ để đi từ nhà (huyện Nhà Bè) đến nơi làm và ngược lại. Còn quãng đường di chuyển vào nội đô, từ Nhà Bè đến quận 1, tưởng chỉ qua một, hai cây cầu nhưng mất thời gian gần như đi tỉnh.
Quỳnh chuyển trọ đến sống tại Nhà Bè được 3 năm - đồng thời điểm dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) khởi công xây dựng.
Tuy nhiên, kế hoạch hoàn thành công trình này đã trễ hơn một năm so với dự kiến. Dự án chậm, nhiều đoạn đường hư hỏng gây khói bụi, rào chắn trải dài làm hẹp lối đi. Để đi qua giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vào giờ cao điểm cũng là một thử thách cho Nguyễn Hoàng Quỳnh lẫn người dân có nhu cầu nói chung.
"Đôi khi áp lực công việc không bằng áp lực quãng đường đến công ty và về nhà. Lắm lúc tan làm 18h, tôi và nhiều đồng nghiệp ở gần sẽ nán lại văn phòng nghe nhạc, tán gẫu để tránh kẹt xe giờ cao điểm", Quỳnh chia sẻ.
Cử tri địa phương không ít lần kiến nghị đến UBND TP để phản ánh tình trạng tắc nghẽn xe nghiêm trọng. Mới đây, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, dự án vẫn đang trong quá trình di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật (kể từ tháng 4).
"Bất cập hiện nay là nhìn vào các đốt hầm vẫn chưa triển khai gì, tuy nhiên phải mất 6 tháng để di dời toàn bộ hạ tầng ngầm, với 3 đường điện, 5 đường nước", ông Phúc nói và cho biết sẽ khởi động hầm chui số 1 trong tháng 11.
Lãnh đạo Ban giao thông cho hay, theo kế hoạch trước đây, tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật ngầm sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, lưu lượng giao thông tại khu vực nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ quá lớn, việc thực hiện ở phạm vi rộng sẽ gây kẹt xe nghiêm trọng hơn.
Đến nay, tổng khối lượng dự án đạt hơn 40%. Theo kế hoạch, khi hạ tầng được hoàn tất di dời, mặt bằng lõi trung tâm khu vực ngã tư được dọn trống, đơn vị sẽ thi công song song hai hầm chui để bù khối lượng và tiến độ.
Trước đó, chủ đầu tư dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 công trình vào cuối năm 2022 và giai đoạn 2 vào năm 2023. Tuy nhiên, sau gần một năm trì hoãn vì vướng di dời hạ tầng kỹ thuật, tiến độ thông xe nhánh hầm 2 dự kiến dời lại mốc trước 30/4/2024 và nhánh hầm 1 dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2024.
Dự án xây dựng 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh có tổng chiều dài mỗi hầm khoảng 456m, mặt cắt ngang đảm bảo 3 làn xe với kết cấu bằng bê tông cốt thép. Trong đó, phần hầm kín dài 98m, phần hầm hở dài hơn 350m, độ tĩnh không thông xe dưới hầm là 4,75m. Vận tốc thiết kế 60km/h đối với phần hầm và 30km/h đối với các nhánh vào nút giao.
Tương tự, vào các dịp lễ, Tết, tảo mộ hoặc thậm chí là cuối tuần, đoạn qua quốc lộ 50, cửa ngõ về miền Tây thường xuyên căng thẳng. Đây cũng là đường dẫn vào khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nên mật độ giao thông rất lớn. Trong khi đó, hiện trạng diện tích mặt đường hẹp khiến người qua đây phải chen chúc.
Bán nước mía trên quốc lộ 50, đoạn qua huyện Bình Chánh, ông Bùi Văn Nghĩa (47 tuổi) cho biết, tình trạng ùn tắc thường diễn ra vào các ngày giáp Tết. Lượng lớn người đổ về miền Tây, cùng với nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nhưng tuyến đường có mặt cắt hẹp khiến nơi này hay xung đột giao thông.
Mục tiêu mở rộng tuyến quốc lộ 50 được ngành giao thông đánh giá có tính cấp bách để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa. Ngoài TP.HCM, tuyến này còn nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khi cắt ngang cao tốc Bến Lức - Long Thành và tuyến Vành đai 4; sân bay Long Thành trong tương lai.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, dự án quốc lộ 50 hiện chậm tiến độ do vướng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Công trình đã khởi công 3 gói thầu gồm: xây mới đoạn song hành và cầu Bà Lớn, tổng khối lượng 24%.
Dự án có 9 gói thầu xây lắp cùng các gói thầu khác, trong đó có 4 gói thầu đã hoàn tất lựa nhà thầu, tư vấn giám sát. Dự kiến, công trình hoàn thành toàn bộ vào 31/12/2024.
Dự án mở rộng quốc lộ 50 có dài 6,9km, rộng 34m. Điểm đầu dự án bắt đầu từ khu dân cư Hạnh Phúc (đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh).
Từ đây sẽ có tuyến đường song hành quốc lộ 50 được xây mới kéo dài đến khu vực cầu Ông Thìn (TP.HCM giáp Long An), chia lửa với quốc lộ 50 hiện hữu.
Tổng vốn đầu tư dự án gần 1.500 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương và ngân sách TP.HCM. Công trình được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương hồi tháng 6/2021, khởi công vào tháng 12/2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Tòan dự án mở rộng quốc lộ 50 hoàn thành sẽ tăng năng lực khai thác tuyến này, giúp kết nối TP.HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây. Đồng thời dự án cũng tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía nam TP với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận