Bất động sản

3 tháng đầu năm, giao dịch đất nền "đi" thụt lùi

06/05/2021, 20:49

Giá đất tăng ở nhiều nơi nhưng ghi nhận thực tế, giao dịch thành công có xu hướng "thụt lùi".

img

3 tháng đầu năm, giao dịch đất nền "đi" thụt lùi (ảnh minh hoạ).

Giao dịch giảm

Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý I/2021. Theo đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng có xu hướng giảm, đi "thụt lùi".

Theo thống kê từ các Sở Xây dựng địa phương cho thấy, Quý I/2021, có 25.386 giao dịch bất động sản (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng) thành công; tổng lượng giao dịch giảm chỉ bằng khoảng 86% so với Quý IV/2020. Cụ thể, tại miền Bắc có 11.011 giao dịch, miền Trung có 8.307, miền Nam có 6.068 giao dịch. Riêng tại tại Hà Nội có 5.571 giao dịch; TP. Hồ Chí Minh có 3.449 giao dịch. Các giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở phân khúc bình dân. Số lượng giao dịch bất động sản nhà ở cao cấp giảm hơn so với quý trước.

Giá vẫn tăng nóng cục bộ

Cũng theo Bộ Xây dựng, trong 3 tháng đầu năm, lượng giao dịch ở nhiều loại hình, phân khúc bất động sản giảm nhưng giá giao dịch tăng so với quý trước. Giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối Quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng "nóng" ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước.

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường, đất trong dân thuộc 4 huyện có thông tin nâng cấp đô thị từ huyện lên quận bị đẩy giá lên mức 30 – 50 tr/m2; Những địa bàn khác như: Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng 20 – 30%.

Tại TP. Hồ Chí Minh, giá nhà đất ở khu vực thành phố Thủ Đức tăng liên tục, nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập Thành phố đến nay. Ví dụ: Trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…, vị trí đất mặt đường đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, thậm chí gần 200 triệu; tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m 2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m 2 thậm chí 100 triệu đồng/m2. Nhiều địa phương khác cũng có chiều hướng tăng như: Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%)...

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận định, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc "lướt sóng", sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu.

Tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.