Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc ngày 15/2 |
Ngày 15/2, đoàn giám sát của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã làm việc với các Bộ: NN&PTNT, Công thương và Y tế về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016.
Ba Bộ cùng than kinh phí hạn chế
Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, trong 5 năm 2011 - 2016, Bộ được cấp 192 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, nguồn thu được để lại phục vụ trực tiếp cho quản lý an toàn thực phẩm (phí, lệ phí) là 959 tỷ đồng. Bộ cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật quốc tế qua 7 dự án ODA của nước ngoài với tổng kinh phí hơn 2.108 tỷ đồng. Với mức đầu tư này, Bộ cho rằng, rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra tại nghị quyết của Quốc hội cũng như chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng, kinh phí cấp cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm của ngành rất hạn chế. Theo đó, tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm của ngành giai đoạn 2011- 2015 là 101 tỷ đồng là quá ít.
Cùng chung quan điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin, chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2015 có tổng mức vốn đề xuất là 4.139 tỷ đồng, nhưng chỉ bố trí được 1.251 tỷ đồng, chiếm 30,2% so với tổng mức vốn được phê duyệt. Dự án an toàn thực phẩm thuộc chương trình mục tiêu y tế dân số năm 2016 dự kiến được cấp 300 tỷ đồng nhưng tới tháng 11/2016 mới được tạm ứng 64 tỷ.
Báo động thực phẩm bẩn, trách nhiệm các Bộ ở đâu?
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: “Báo cáo của ba bộ đều nói đã ban hành quy phạm đầy đủ, tiêu chuẩn, định mức, ngưỡng an toàn đều có cả, kiểm tra thường xuyên… Vậy, vì sao vẫn thấy tình hình an toàn thực phẩm tại nhiều địa phương ở mức báo động, thậm chí vài địa phương đã đến giới hạn đỏ?”.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tiếp tục đặt vấn đề: Dù đã tổ chức kiểm tra rất nhiều, tính trung bình có 30.000 đoàn thanh, kiểm tra trên 3 triệu cơ sở, vậy trong tổng số hàng hóa thì khẳng định, bao nhiêu phần trăm đảm bảo an toàn? Tính ra mỗi cuộc chỉ phạt được 200 nghìn đồng. Trong khi vi phạm rất nghiêm trọng, xử phạt lại không tương xứng, hầu như không có vụ nào xử lý hình sự. Ông Hiển lấy dẫn chứng, vụ gần đây nhất là 7 người chết ở Lai Châu do ngộ độc. Theo ông, đã có người tử vong vì an toàn thực phẩm nghĩa là vấn đề rất nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm minh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2011 - 2015 cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 100 tỷ đồng. Kết quả giám sát từ 2011 - 10/2016 cho thấy, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. |
“Trong những vụ việc như thế, trách nhiệm của các bộ thế nào? Đã chỉ ra người đứng đầu có vi phạm chưa? Huyện, xã, thôn thế nào? Những vấn đề này phải đưa vào nghị quyết của Quốc hội, không thể sự việc xảy ra mà chủ tịch xã bảo tôi không biết hoặc giấu đi chỉ vì lợi ích của địa phương”, Phó chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.
Trả lời các vấn đề Phó chủ tịch Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, hiện các chủ trương chính sách lớn liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang được bổ sung. Liên quan đến vụ ngộ độc ở Lai Châu, Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn cho rằng, cả ba Bộ: NN&PTNT, Công thương và Y tế đều có trách nhiệm, nhưng cũng còn trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ sở sản xuất loại thực phẩm đó.
Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, tình trạng mất an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề lớn, nhiều vụ việc gây bức xúc, lo lắng trong xã hội, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều vấn đề chưa làm được nên đề nghị các Bộ cần nhìn thẳng vào sự thật, thấy được khuyết điểm mới khắc phục được. “Đồng tình là Bộ không thể làm hết được, nhưng ít nhất cứ nói trách nhiệm của chúng ta đã. Anh nhận tiền thuế của dân mà lo thế thì đừng làm cán bộ nữa. Cũng cần làm rõ vai trò của những người đứng đầu địa phương xem họ không biết hay biết mà lờ đi”, ông Hiển nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận