Ngày 24/6, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, theo Điều 57 Luật BHXH hiện hành quy định: Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và Quỹ BHXH.
Thông tin từ BHXH Việt Nam, Chính phủ đề xuất mức lương hưu và trợ cấp BHXH tăng 15% bắt đầu từ 1/7. Khi đề xuất này được thông qua sẽ là mức tăng lương hưu cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, kể từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu 23 lần.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, có khoảng 3,3 triệu người hưởng lương hưu được tăng 15% lần này, bao gồm tất cả những người đang hưởng lương hưu qua các thời kỳ, không phân biệt người làm trong khu vực Nhà nước, khu vực doanh nghiệp, người tham gia BHXH tự nguyện... Với mức điều chỉnh như vậy, Quỹ BHXH vẫn đảm bảo cân đối trong dài hạn.
Ngoài lương hưu hằng tháng, theo đại diện BHXH Việt Nam, người hưởng còn được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95%.
Mức tăng lương hưu 15% đã được tính toán, cân nhắc phù hợp với khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người lao động, khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước và Quỹ BHXH.
Tỷ lệ tăng này đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa những người đang hưởng lương hưu và người đang đóng BHXH, giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng trước 1/1/1995 sau khi điều chỉnh tăng 15% mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau:
Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng với người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng mỗi tháng trở xuống.
Tăng lên bằng 3,5 triệu đồng mỗi tháng với người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng mỗi tháng đến dưới 3,5 triệu đồng mỗi tháng.
Như vậy, số người được điều chỉnh tăng lương hưu trợ cấp trong đợt này khoảng 3,3 triệu người, và có 300 nghìn người tiếp tục được điều chỉnh tăng theo số tiền tuyệt đối sau khi đã điều chỉnh theo mức tăng chung 15%.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, những người có lương hưu thấp nêu trên là những người có quá trình công tác, cống hiến cho các cơ quan, đơn vị của Nhà nước trước đây. Vì vậy, việc tăng lương thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với họ.
Thêm vào đó, chính sách trên còn đóng góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người có mức lương hưu thấp và lương hưu cao, người hưởng lương hưu trước và sau thời điểm 1/1/1995.
Với phương án như trên, năm 2024 Quỹ BHXH dự tính phải chi tăng thêm khoảng 12.567 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước tăng thêm 3.760 tỷ đồng.
Trước thông tin về đề xuất tăng lương hưu 15% và trợ cấp BHXH từ 1/7, tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, việc điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp BHXH dự kiến 15% là cố gắng rất lớn của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến người hưởng lương hưu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận