Liên tục những ngày qua, trên địa bàn TP. Cà Mau (Cà Mau) xuất hiện trời mưa lớn, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới, kết hợp triều cường dâng cao khiến cho nhiều tuyến đường khu vực nội ô bị ngập sâu, hư hỏng nặng.
Một số đoạn đường bị ngập “dài hạn” có mật độ phương tiện lưu thông qua lại rất đông. Vì vậy, tình trạng hư hỏng vẫn chưa được xử lý dứt điểm, trên một số tuyến đường chính vào trung tâm thành phố vẫn còn nhiều biển cảnh báo ổ gà, cảnh báo nguy hiểm, nhiều vị trí vẫn còn ngập sâu.
Đặc biệt là trên các tuyến đường như: Ngô Quyền, Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Trãi, khu vực Quảng trường Trung tâm Hội nghị, Châu Văn Đặng và nhiều tuyến đường khác có dấu hiệu bị bong tróc mặt đường do bị ngâm nước lâu, xe lưu thông nhiều.
Anh Phạm Văn Tâm (ngụ TP. Cà Mau) chia sẻ: “Mỗi khi trời mưa lớn, công với triều cường dâng cao, một số tuyến đường nội ô bị ngập rất sâu, người dân đi lại rất khó khăn, nhất là vào ban đêm rất nguy hiểm, dù lực lượng chức năng có cắm biển cảnh báo, nhưng thỉnh thoảng vẫn có người bị té ngã do sụp phải “ổ gà” trên đường, hơn nữa, mặt đường bị ngâm nước lâu ngày khiến rong rêu bám, rất dễ bị trơn trượt bánh xe”.
Đáng nói khu vực vỉa hè xung quanh khu vực Quảng trường Trung tâm Hội nghị cũng bị hư hỏng, do mặt đường bị ngập sâu, nhiều phương tiện xe máy phải chạy trên lề đường để “né”, buộc lực lượng chức năng phải căng dây rào chắn lại, đồng thời, cử lực lượng túc trực điều tiết, phân luồng giao thông để đảm bảo giao thông thông suốt.
Một số tuyến đường Ngô Quyền và đường Phan Ngọc Hiển được xem là hai tuyến đường chính có mật độ giao thông rất lớn, thường xuyên bị ách tắc cục bộ, nhất là vào các khung giờ cao điểm, nhiều phương tiện xe máy chỉ đi áp sát dãy phân cách ở giữa để tránh bị chết máy, giao thông trên các tuyến đường này dường như bị hỗn loạn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông vào chiều 29/10, ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau cho biết, Ban cũng đã giao Sở GTVT phối hợp với UBND các huyện, TP. Cà Mau chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác các tuyến đường tăng cường công tác kiểm tra và thực hiện ngay các biện pháp cảnh báo tại những vị trí đường bị ngập sâu, đoạn đường hư hỏng (ổ gà), vị trí cửa cống, nắp mương, nắp ga, đoạn đường bị sạt lở... có nguy cơ gây mất ATGT, để người tham gia giao thông biết, tránh lưu thông qua những khu vực nguy hiểm.
“Kịp thời thực hiện sửa chữa, khắc phục tại những vị trí hư hỏng nghiêm trọng để đảm bảo giao thông luôn được thông suốt, an toàn. Chủ động xây dựng phương án khắc phục, sửa chữa, chuẩn bị vật tư, thiết bị và nhân lực để triển khai khắc phục ngay khi điều kiện thời tiết cho phép”, ông Bằng cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận