"Cái may của văn học Việt Nam là có Nguyễn Huy Thiệp", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Ngày 20/3, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 71 tuổi. Sinh thời, ông là một cây bút - nhà văn được đánh giá là xuất sắc của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đối với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mất đi để lại khoảng trống lớn với văn học Việt Nam.
Nguyễn Huy Thiệp đã xuất hiện một cách xuất sắc
"Khi ông ấy xuất hiện trên văn đàn với những truyện ngắn đặc sắc, mới mẻ không giống ai đã tạo được dấu ấn sâu đậm. Nói không quá, thì ông đã làm nổ tung văn đàn Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Ông viết về những vấn đề của cuộc sống xã hội mà trước đó chưa ai nói, bằng cách viết và bút pháp rất riêng biệt. Điều đó chỉ có thể khẳng định là tài năng thiên phú của ông và ý thức làm nghề.
Ông ấy từng nói, trước khi xuất hiện trên văn đàn, bản thân đã đọc văn học Việt Nam của các nhà văn đi trước và thấy những điểm yếu, điểm thiếu và điểm chết của văn học Việt. Quả thực, Nguyễn Huy Thiệp đã xuất hiện một cách xuất sắc.
Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp là đỉnh cao của văn học đổi mới Việt Nam. Từ khi ông ấy mới xuất hiện, sinh thời đến khi nằm xuống, tôi cho rằng, giới văn chương vẫn phải đi tìm và lý giải hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Một con người vốn là thầy giáo dạy Sử, 10 năm dạy ở miền núi rồi khi về lại quê hương, không kiếm được việc làm nên đi vẽ bản đồ cho một công ty thiết bị sách, làm những công việc bình thường.
Ông không xác lập vị thế và giá trị của mình nhưng giá trị và vị thế ấy không phải ai cũng có và không phải bàn được ngay. Những đóng góp của ông còn cần được tìm hiểu và đánh giá tiếp, nên giới cầm bút Việt Nam từ nay sẽ còn phải tiếp tục “đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”.
Cuốn sách "Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp" của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Xưa nay, văn học phản ánh cuộc sống, hiện thực và văn học là cách để con người nhận thức được về cuộc sống và hiện thực. Truyện ngắn, tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp có điểm riêng là đưa đến cách nhìn mới, mổ xẻ, phanh phui, đi vào phía sau của hiện thực. Văn học chỉ là bề mặt.
Đọc truyện xong, người ta thấy yên ổn, không phải day dứt, thấy không phải cãi với tác giả và bản thân thì tác phẩm của Thiệp bắt người đọc phải như thế.
Nhà văn nào viết ra cũng nghĩ tác phẩm của mình là nhất, cũng muốn khuấy đảo dư luận và đời sống văn chương, nhưng muốn là một chuyện. Còn truyện của Thiệp, “ném” ra cái nào là cái đó gây tranh cãi, buộc người ta phải tìm đọc và đọc xong thì tranh cãi về mình, về người khác để từ đó thấy bây giờ mình phải nhìn cuộc sống một cách khác đi. Đó là cái tài của Thiệp và cái may của văn học Việt Nam là có Nguyễn Huy Thiệp.
"Không trao giải cho Nguyễn Huy Thiệp là khuyết điểm lớn của nền văn học Việt"
Một điểm đặc biệt ở Nguyễn Huy Thiệp là người rất bình thường và rất mâu thuẫn. Một con người nhìn qua như ông già, nét mặt có vẻ nhàu nhĩ, đau khổ nhưng khi trò chuyện luôn toát lên năng lượng và nội lực mạnh.
Nhiều người mới gặp dễ thất vọng. Họ thắc mắc, sao một người viết truyện ngắn lẫy lừng nhiều năm mà bên ngoài lại như một ông già nông dân, trông có vẻ ngu ngu ngơ ngơ. Nhưng đó là vẻ bề ngoài, còn có gần ông mới thấy trữ lượng tinh thần lớn thế nào.
Tôi có nhiều kỷ niệm với ông ấy. Tôi là người biết và quen Thiệp từ khi ông ấy mới xuất hiện, có những truyện ngắn như “Tướng về hưu”, “Muối của rừng”… Lúc đó, nhiều người chưa biết Thiệp là ai, còn hỏi nhau “Cái tay Nguyễn Huy Thiệp là ai đấy nhỉ?”.
Chúng tôi thân thiết và gắn bó với nhau. Sau này, tôi làm cuốn sách “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” lúc đang công tác ở Hội nhà văn Hà Nội. Đó cũng là hội duy nhất đến thời điểm này đã trao giải thưởng cho Nguyễn Huy Thiệp với tập tiểu luận phê bình “Giăng lưới bắt chim”.
Ông Thiệp đã rất cảm kích về điều này. Thiệp rất xứng đáng có được một giải thưởng khi ở đỉnh cao truyện ngắn nhưng lại không có. Tôi thấy, việc không trao giải cho Nguyễn Huy Thiệp là khuyết điểm lớn của nền văn học Việt.
Ông ấy từng nói với tôi về cuốn “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”: “Ông làm được một cuốn sách về tôi, tôi rất cảm ơn. Không phải cho tôi mà cho bạn đọc, để ai muốn tìm hiểu về tôi thì có cuốn sách. Tôi cũng không cần giải thưởng nhưng nó là lẽ công bằng ở đời”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận