ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng tình trạng chạy chính sách dân biết, đảng biết, chính phủ và các ngành đều biết nhưng chúng ta thiếu cơ chế, thiếu cơ sở để gắn trách nhiệm người đứng đầu để xử lý |
Phát biểu tại Hội trường Quốc hội sáng nay (29/3), ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định: Nhiệm kỳ 2011 – 2016, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều giải pháp tích cực để khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế xã hội, giải quyết kịp thời những đơn thư tồn đọng kéo dài, tạo niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm chỉ đạo trong thời gian tới.
Với Chủ tịch nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ĐB Phương cho rằng Báo cáo của Chủ tịch nước và Chính phủ cần tập trung đánh giá những giải pháp, những hạn chế trong tổ chức thực hiện chứ không nên đề cập nhiều về những nội dung khuyết điểm chung chung như năng lực dự báo hạn chế, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế chưa phù hợp, một số cơ chế chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao…
“Cử tri và nhân dân rất bức xúc và thường xuyên kiến nghị Chính phủ cần quan tâm ngăn chặn đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp… Gần đây Tổng bí thư có nêu khái niệm mới là "chạy luân chuyển". Điều đó có nghĩa là có chính sách gì mới thì lại có chạy chọt. Việc này dân biết, đảng biết, chính phủ và các ngành đều biết nhưng chúng thiếu cơ chế, thiếu cơ sở để gắn trách nhiệm người đứng đầu để xử lý” – ĐB nói và bức xúc: "Vì thế mà câu hỏi chạy ai, ai chạy chưa trả lời được".
Với Toà án và Viện kiệm sát, ĐB Phương cho rằng báo cáo của 2 cơ quan này “chưa cân đối được thành tích và tồn tại, hạn chế”.
“Báo cáo của viện kiểm sát có 30 trang kết quả đạt được nhưng chỉ có nửa trang nêu hạn chế. Những hạn chế này lại rất chung chung. Ví dụ lãnh đạo một số đơn vị chưa thực hiện hết quyền hạn trách nhiệm để một số vụ án kéo dài chưa giải quyết, một số kiểm sát viên chưa nâng cao được trách nhiệm… Trong khi đó, có một số hạn chế tồn tại trong nhiều năm, làm dư luận bức xúc lại chưa được đề cập trong báo cáo như để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, người tạm giam, tạm giữ bị đánh chết, giải quyết đơn khiếu nại, giám đốc thẩm, tái thẩm chưa kịp thời…” – đại biểu phân tích.
Cũng như vậy, với báo cáo của Chánh án TAND tối cao, đại biểu chỉ rõ “có 23 trang nêu kết quả đạt được nhưng cũng chưa đến một trang nêu hạn chế”, trong khi thực tế là “rất nhiều vụ án không thi hành được, có những bản án tồn đọng trên chục năm”.
Cũng từ đây, ĐB tha thiết kiến nghị Toà án, Viện kiểm sát cần có giải pháp cụ thể hơn, tập trung giải quyết khắc phục hạn chế bản án, quyết định bị huỷ do lỗi chủ quan của người thực thi công vụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận