Âm nhạc và dung mạo của Lê Minh Sơn đều khác người. |
Chân dung Lê Minh Sơn thường xoay quanh chỉ một chữ “điên”. Ấn tượng này theo chân anh suốt hành trình nghệ thuật, giờ vẫn vậy. Mặc định như thể không "điên", thì không còn là anh chàng nhạc sĩ dân gian đương đại.
Nhạc "mắm tôm" không lẫn vào đâu được!
Có lần, Lê Minh Sơn gọi nhạc của mình là mắm tôm. Thứ nước chấm khó ngửi, màu sắc khó nhìn. Nhưng khi ăn thì đậm đà, lưu luyến chót lưỡi, đầu môi. So sánh như thế, tức tác giả Ôi quê tôi hiểu rõ về âm nhạc của mình: Độc đáo, phá cách tới mức khó hiểu với số đông. Để thấm được thì hoặc cùng sở thích như người viết, người hát hoặc đủ kiên nhẫn vượt qua lớp vỏ xù xì bên ngoài, chạm vào phần tinh tế bên trong.
Dân gian đương đại là địa hạt kì lạ bậc nhất trong âm nhạc Việt Nam. Không có định nghĩa cụ thể, mỗi người một cách nhìn. NSND Trần Hiếu thậm chí phủ nhận sự tồn tại của dòng nhạc này. Còn Lê Minh Sơn tự cho nó là “chất liệu dân viết bởi con người đương đại”. Không có quy chuẩn sách vở, đồng nghĩa với tự do về mọi mặt. Điều này hóa ra lại ăn rơ với sự ngông cuồng như anh từng diễn giải: “Là tự do sáng tạo, là ý thức muốn vượt thoát cái cũ, là tạo ra những giá trị mới cho cuộc sống”.
Xem thêm video:
Đa phần sáng tác của Lê Minh Sơn viết về đồng quê, những cảnh tượng thường ngày từ dòng sông, bờ ao, cánh cò, yếm lụa đào… cho tới những khoảng hồi ức kỉ niệm tuổi thơ. Và có cả tình yêu, song tình yêu trong nhạc của Lê Minh Sơn cũng mang dáng dấp ca dao, phần nhiều là sự đợi chờ trong chia cắt, khác với yêu đương phản bội, ghen tuông của nhạc thị trường.
Nếu viết những ca từ đó lên giấy, nhìn lướt qua sẽ thấy giống một tác phẩm thơ tự do hiện đại. Không chú trọng vần vè, luật bằng trắc. Câu cú đơn gọn gàng đến sắc lẻm, từ 5-8 âm tiết đã diễn đạt trọn vẹn một ý niệm. Thi thoảng bắt gặp các cụm từ đơn độc thả vào giữa dòng, như xúc cảm bật lên không báo trước: “Ngẩn ngơ”, “thét gào”, “à í a”...
Phong cách phối các bản nhạc ấy cũng không giống ai, là sự kết hợp giữa Flamenco latin và dân ca Đồng bằng Bắc bộ. Nhiều đêm diễn, người ta thấy người nhạc sĩ ngồi đánh guitar bên cạnh dàn sáo nhị như phường chèo. Lúc anh mặc áo thun, quần jeans, đội nón cao bồi, lúc khác bận áo nâu, tóc xõa như hiền nhân tu đạo.
Trải đời bằng vạ miệng, sóng gió
Bên lề âm nhạc, Lê Minh Sơn cũng khác người. Dung mạo chỉ có thể dùng chữ nghệ để mô tả, đẹp hay xấu không thống nhất được. Một số người nói anh lãng tử, giống cao bồi miền Tây ở vẻ phớt đời, hay mái tóc đuôi ngựa lúc búi, lúc xõa quá vai. Số khác, điển hình là đạo diễn Lê Hoàng tả nhạc sĩ tóc dài giống tướng cướp: “Đứng cạnh Sơn thì Chí Phèo cũng trở nên ngây thơ, Bảy Cầu Muối, Năm Sài Gòn, Jack Đồ Tể cũng trở nên ngoan hiền”.
Tức là nhìn bặm trợn, dữ dằn. Phần thô ráp, xù xí nhất ở Lê Minh Sơn là phát ngôn. Điểm này gợi nhớ nhiều đến Thanh Lam, cả hai đều bị gọi là “phổi bò” trong làng nhạc, nhận xét không biết tiết chế ngôn từ hay đối tượng nhắm tới. Hơn chục năm hoạt động nghệ thuật, đếm số lần anh lao đao vì vạ miệng cũng vượt gần 10 đầu ngón tay. Đơn cử anh từng "bỗ bã" mà rằng: “Thằng Sơn này không bao giờ là... điếm rẻ tiền” hoặc “Ở ta, nhạc sĩ biết chơi nhạc cụ không nhiều. Nếu tôi nhận là tay guitar số hai thì không ai dám nhận mình là số một”. Ngay như nhận xét về âm nhạc và mắm tôm, tuy đúng sát sao nhưng vẫn khiến người nghe có phần ác cảm.
Nhiều đêm diễn, người ta thấy nhạc sĩ Lê Minh Sơn ngồi đánh guitar bên cạnh dàn sáo nhị như phường chèo. Lúc anh mặc áo thun, quần jeans, đội nón cao bồi, lúc khác bận áo nâu, tóc xõa như hiền nhân tu đạo. |
Tệ nhất là những trường hợp “gã điên” ấy nhận xét về người xung quanh, đồng nghiệp hoặc giới ca sĩ. Anh nói thẳng Đinh Tiến Dũng là “đứa chẳng thông minh” khi lấy lòng người hâm mộ thái quá. Anh cũng “cấu véo” Lê Hoàng trên ghế giám khảo Cặp đôi hoàn hảo, không kiêng nể vị đạo diễn có tiếng là đanh đá. Đấu với 1-2 cá nhân chưa đã, Sơn đấu lại cả với xu thế đang lên. “Cái vóc tôi là sáng tác về quê hương, đất nước, chứ không quanh quẩn mấy cái thứ vớ vẩn anh yêu em, em yêu anh”. Khi bolero bùng nổ hằng sa số đêm nhạc, cuộc thi, anh gọi nó là “sự trì trệ và đau khổ” của người làm sáng tạo.
Nhân tố bất ngờ của Sing my song
Sân chơi Sing my song hội tụ những người trẻ đam mê sáng tác. Ước mơ viết nhạc của họ là “ước mơ của rất nhiều người trẻ tuổi và không trẻ - trong đó có Lê Minh Sơn của tuổi đôi mươi”. Suốt quá trình thi, anh cũng thể hiện độ già dơ của tiền bối. Điệu bộ lạnh lùng duy trì đến hết từng đêm diễn. Vẻ mặt ít biểu lộ cảm xúc, khác xa cách Nguyễn Hải Phong bật khỏi ghế đánh bass, hay Đức Trí cười nghiêng ngả.
Thuyết phục thí sinh, anh dùng mô-tuýp đơn giản: “Bạn thiếu cái gì, tôi cho bạn cái đó”. Anh chỉ ra Lê Thiện Hiếu cần khả năng cô đọng ngôn từ, còn Phạm Trần Phương cần thêm “chất điên” trong cảm hứng.
Mới ba tập trôi qua, anh đã gạt phăng vài tên tuổi nổi tiếng sẵn có: Ưng Đại Vệ, MTV, Trịnh Thăng Bình, Phan Mạnh Quỳnh… Cộng đồng cũng lăm le dậy sóng, nhưng với Lê Minh Sơn “khen chê không đem lại cảm xúc gì cả”. 10 năm không đọc báo, xem tivi tưởng như là gàn dở, nay trở thành lợi thế. Nhiều người so sánh Lê Minh Sơn với Lưu Hoan, giám khảo Sing my song phiên bản gốc tiếng Trung, cũng có nhiều điểm hợp lý. Cả hai đều là đại diện của một dòng nhạc kén người nghe, cổ phong dân dã. Đồ cổ thường độc đáo. Và trong một cuộc thi chú trọng về sự bứt phá, khác biệt, mới lạ, thì hình tượng nhạc sĩ dân gian đương đại kiểu Lê Minh Sơn lại thành ra có sức hút bất ngờ.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận