Đầu năm 2022, Báo Giao thông đăng loạt bài điều tra việc các “nhà luật” câu kết với một số cán bộ để lập đường dây mua bán “lốt” xe qua cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh).
Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Đỗ Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Cửa khẩu (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam) khẳng định, sẽ xử lý nghiêm khắc nếu có cán bộ, chiến sỹ của đơn vị tham gia mua bán “lốt” xe qua cửa khẩu.
Đại tá Đỗ Ngọc Toàn - Cục trưởng Cục Cửa khẩu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam
Rà soát lại, tìm “lỗ hổng” trong quá trình xuất nhập cảnh
Thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã triển khai lực lượng phối hợp điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh thế nào để giải quyết tình trạng này?
Từ tháng 7/2021 đến nay, thực hiện chính sách “Zero Covid”, cơ quan chức năng Trung Quốc siết chặt kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, thường xuyên tạm dừng thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới phía Bắc.
Từ tháng 12/2021 đến nay, phía Trung Quốc đã 16 lần tạm dừng thông quan cửa khẩu dẫn đến ùn tắc số lượng lớn phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.
Trước thực trạng này, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động nắm tình hình, kịp thời báo cáo Bộ Quốc phòng để trao đổi với các bộ, ngành chức năng phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các cơ chế hợp tác về biên giới, cửa khẩu đã thiết lập, Bộ Tư lệnh BĐBP và Biên phòng các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã nhiều lần gửi thư trao đổi và tổ chức hội đàm trực tiếp với các cơ quan, lực lượng quản lý biên giới, cửa khẩu của phía Trung Quốc ở cả cấp Trung ương và địa phương.
Các đồn, trạm biên phòng thường xuyên tổ chức gặp gỡ trực tiếp trên biên giới với lực lượng kiểm soát cửa khẩu Trung Quốc trao đổi công tác, thúc đẩy tạo thuận lợi cho các hoạt động lưu thông cửa khẩu, góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn ứ phương tiện.
Vừa qua, Báo Giao thông đăng loạt bài điều tra về việc mỗi xe xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh phải chi tiền “làm luật” số tiền hàng chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Theo quy định hiện nay, việc quản lý, xếp “lốt” xe xuất khẩu nông sản có sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó có BĐBP. Ông có ý kiến gì về loạt bài viết này?
Trước hết, Bộ Tư lệnh BĐBP trân trọng cảm ơn những thông tin phản ánh nêu trên của Báo Giao thông.
Thông tin phản ánh của Quý Báo đã giúp cho cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm pháp luật.
Đồng thời, qua đó các bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát lại toàn bộ quy trình phối hợp trong quản lý phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Các lực lượng kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những “lỗ hổng” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngăn chặn không để phát sinh những hành vi tiêu cực, sách nhiễu, vi phạm pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, BĐBP có nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Công tác hướng dẫn, giám sát, điều tiết phương tiện ra, vào, hoạt động trong khu vực cửa khẩu là một trong những nhiệm vụ của BĐBP.
Tuy nhiên, đối với việc “xếp lốt” phương tiện ở các bãi đỗ phương tiện ở ngoài khu vực biên giới, cửa khẩu không thuộc phạm vi quản lý của BĐBP.
Chưa phát hiện BĐBP liên quan đến việc “mua lốt”
Các xe chờ làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Ảnh lớn). Bảng kê khai tiền luật và nội dung chuyển khoản cho "nhà luật" tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Ảnh nhỏ)
Nhưng biên phòng có phải là lực lượng quyết định việc cho xe nào được qua cửa khẩu hay không?
Theo quy định, người điều khiển, phương tiện vận chuyển khi xuất nhập qua cửa khẩu phải có đầy đủ các thủ tục: Xuất nhập cảnh đối với người điều khiển phương tiện do lực lượng BĐBP thực hiện; xuất nhập cảnh đối với phương tiện và xuất nhập khẩu hàng hóa do lực lượng Hải quan thực hiện; kiểm dịch người, hàng hóa do lực lượng kiểm dịch thực hiện mới được xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.
Do vậy, không một lực lượng nào ở cửa khẩu có quyền quyết định cho người, phương tiện xuất nhập qua cửa khẩu nếu chưa hoàn thành một trong các thủ tục nêu trên.
Có ý kiến cho rằng để những “nhà luật” hoạt động chèn ép chủ hàng, lái xe như phản ánh có sự tiếp tay của một số lực lượng. Trước thông tin này, Bộ Tư lệnh có chỉ đạo cơ quan chuyên trách vào cuộc điều tra?
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin Báo Giao thông phản ánh, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo BĐBP tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và các cơ quan nghiệp vụ điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. Bước đầu chưa phát hiện cán bộ, chiến sỹ BĐBP có liên quan đến vụ việc tiêu cực trên.
Đồng thời, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc kiểm tra lại toàn bộ quy trình thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu, tập trung công tác phối hợp quản lý phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực nếu có.
Quan điểm của Bộ Tư lệnh BĐBP là không có “vùng cấm” trong xử lý tiêu cực, vi phạm pháp luật, kỷ luật Quân đội.
Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục rà soát, xác minh làm rõ cán bộ, nhân viên cửa khẩu có liên quan đến hoạt động mua bản “lốt” xe tại cửa khẩu và kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ vi phạm liên quan đến vụ việc (nếu có).
Cảm ơn ông!
Trước đó, Báo Giao thông đăng tải loạt bài điều tra về việc mua bán "lốt" xe, ép tài xế, chủ xe nộp tiền "đóng luật" tại một số cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Sau đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã lập tức vào cuộc, chỉ đạo Công an tỉnh này điều tra. Đến nay đã có 6 bị can, trong đó có 1 cán bộ hải quan tỉnh Lạng Sơn, 2 cán bộ Đội Quản lý trật tự huyện Cao Lộc bị khởi tố vì đưa, nhận hối lộ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã giải thể đội ngũ “tài bo” tại Cửa khẩu Tân Thanh để giao cho doanh nghiệp quản lý, điều hành; chấn chỉnh hoạt động của “nhà luật” tại cửa khẩu; triển khai cửa khẩu số... Hiện, hoạt động tại các cửa khẩu Lạng Sơn đã cơ bản đi vào nền nếp, minh bạch hóa, giúp giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận