Tranh cãi câu hỏi ứng xử cho hoa hậu
"Hiện nay có rất nhiều sinh viên ra trường nhưng không xin được việc làm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp khó tuyển nhân sự. Vậy theo quan điểm của bạn, hiện tượng này là như thế nào?".
Đó là câu hỏi mà thí sinh Ngô Thị Quỳnh Mai nhận được tại vòng thi ứng xử của top 5 trong đêm chung kết Miss Grand Vietnam 2022.
Nhiều ý kiến cho rằng câu hỏi ứng xử dành cho Mai Ngô lạc đề, không phù hợp với cuộc thi hoa hậu
Trước câu hỏi này, Mai Ngô có phần lúng túng và trả lời không rõ ý. Dù vậy, người đẹp vẫn nêu quan điểm của mình: "Thay vì đổ lỗi cho cá nhân hay tổ chức, tôi nghĩ cá nhân mọi người cần rèn luyện để hiểu được những việc họ làm. Khi họ yêu những việc họ làm, làm những việc họ thích, thì sẽ có được thành công".
Nhiều ý kiến cho rằng câu hỏi dành cho Mai Ngô "quá khó", "không phù hợp với một cuộc thi hoa hậu" mà thích hợp để... tuyển dụng việc làm. Thậm chí, một số dân mạng còn gọi vui Mai Ngô là "Miss tuyển dụng" hay "Hoa hậu tuyển dụng".
Đây không phải lần đầu tiên câu hỏi ứng xử ở các cuộc thi nhan sắc gây tranh cãi. Trong quá khứ, nhiều cuộc thi nhan sắc Việt xảy ra tình trạng đặt câu hỏi ứng xử chung chung như: “Theo bạn, hình mẫu đại diện cho phụ nữ Việt Nam hiện đại có cần thay đổi gì so với hình mẫu truyền thống?”, “Nếu bạn là người thắng cuộc và nói với những người không may mắn như mình, bạn sẽ nói gì?”, “Vì sao bạn nghĩ mình có thể trở thành hoa hậu?”, “Giá trị sống tích cực nhất đọng lại trong bạn sau khi cuộc thi kết thúc là gì?”, “Khoảnh khắc đẹp nhất của bạn trong cuộc thi đến nay là gì?”...
Người đẹp đến từ Kenya - Mary Esther Were
Trên thế giới, tình trạng này cũng xảy ra không ít. Còn nhớ, tại Miss Universe 2016 diễn ra ở Philippines, đại diện Kenya - Mary Esther Were đã nhận được câu hỏi: “Cho đến hiện tại chưa từng có Tổng thống Mỹ nào có nhiều hoạt động trong 10 ngày đầu tiên như tổng thống hiện nay. Bạn có suy nghĩ gì về tân Tổng thống Donald Trump?”.
Sau một chút lúng túng, Mary đã trả lời: “Ông Donald Trump đã được lựa chọn để trở thành Tổng thống Mỹ. Đây có thể không phải là sự lựa chọn của nhiều người bởi có nhiều người yêu mến cựu Tổng thống Obama và mong muốn ứng cử viên Hillary Clinton lên làm nữ tổng thống đầu tiên. Dù rất nhiều người phản đối nhưng tôi nghĩ một khi ông Trump ngồi vào vị trí đó, ông ấy có thể hợp nhất nước Mỹ”.
Chưa bàn tới nội dung câu trả lời của Mary, tờ Bustle cho rằng câu hỏi mà ban tổ chức lựa chọn cho người đẹp tới từ Kenya là một đề tài làm khó thí sinh. Trong khi những người đẹp khác đều nhận được những câu hỏi mang tính thời sự chung như nạn bạo lực, quyền phụ nữ, hay vấn đề biên giới quốc gia thì câu hỏi của Mary Esther được cho là đề cập tới khía cạnh hẹp và không mang tính cộng đồng.
"Câu hỏi ứng xử không phải để làm khó"
Chia sẻ với Báo Giao thông nhà thơ Dương Kỳ Anh - người sáng lập và gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hàng chục năm khẳng định, công tác chuẩn bị câu hỏi ứng xử ở các cuộc thi do ông tham gia tổ chức, làm giám khảo luôn là việc khó và tốn thời gian.
Theo ông, những năm tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, BTC còn mở ra cuộc thi đặt câu hỏi ứng xử cho thí sinh. BTC nhận được hàng nghìn câu hỏi từ độc giả, trong đó có cả nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa... gửi về. Từ đó, hội đồng giám khảo mới ngồi lại và chọn lọc câu hỏi hay nhất.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh - người sáng lập và có hơn 20 năm gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam
"Đặt câu hỏi thi ứng xử không đơn giản, câu hỏi đó phải hay và gợi mở. Hỏi ứng xử dành cho hoa hậu không phải đánh đố mà để kiểm tra kiến thức văn hóa, xã hội. Những câu hỏi phải liên quan đến vấn đề văn hóa, đến cuộc thi sắc đẹp và là cơ hội để các thí sinh nói về bản thân, quan điểm và sự hiểu biết.
Câu hỏi đối với thí sinh Mai Ngô tại Miss Grand Vietnam 2022 gây tranh cãi là đúng. Đặt câu hỏi như vậy không hay, tôi không hiểu sao họ lại đặt như vậy.
Những câu hỏi có thể đặt trong cuộc thi "Bàn tay vàng, người thợ giỏi" hay cuộc thi nào đó tương tự. Những người ở trong ngành sản xuất kinh doanh người ta mới hiểu rõ được", nhà thơ Dương Kỳ Anh bày tỏ.
Hơn 20 năm gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết thêm, công tác chấm điểm trong phần thi ứng xử cũng không hề dễ dàng, phải đảm bảo độ chính xác và thống nhất cao từ ban giám khảo.
"Sau khi lựa chọn bộ câu hỏi ứng xử, tất cả ban giám khảo phải mất nhiều ngày trời để hội ý đưa ra đáp án, có câu có đáp án cụ thể, có câu đáp án gợi mở. Giám khảo ngày xưa đâu phải mấy người tại nhiều cuộc thi nhan sắc như bây giờ.
Thời ấy, chúng tôi mời NSND Trà Giang, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, GS Hoàng Thiệu Khang. Họ đều là những người làm văn hóa có chuyên môn, uy tín của họ nổi tiếng cả trong nước và ngoài nước. Có như vậy, việc lựa chọn hoa hậu mới chuẩn xác, cuộc thi mới trở nên uy tín", nhà thơ Dương Kỳ Anh nói thêm.
Sau cuộc thi Miss Grand Vietnam, những nhận xét về câu hỏi còn bị đẩy xa hơn khi á hậu Kiều Loan trở thành nạn nhân của bạo lực mạng vì bị cho rằng làm khó Mai Ngô. Thậm chí, một số người quá khích, miệt thị cơ thể của Kiều Loan, nhắc lại hình ảnh của cô ngày trước khi phẫu thuật thẩm mỹ.
Không chỉ “chĩa mũi dùi” vào Kiều Loan, những người thân, gia đình của cô cũng nhận về vô số bình luận không hay trên mạng xã hội. Trước cơn cuồng nộ trên mạng xã hội, Kiều Loan lên tiếng cho biết câu hỏi mà cô đặt ra cho thí sinh trong đêm chung kết đã được thông qua ban tổ chức và ban cố vấn, không phải tự bản thân bốc đồng, đặt mà không suy nghĩ.
Cô khẳng định bản thân không “cố tình gây khó dễ” hay “chọn câu hỏi khó nhất đặt cho thí sinh” như mọi người đang suy diễn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận