Các lực lượng tham gia diễn tập ứng phó hàng không tại Cty Quản lý bay miền Nam - Phòng SIM giả định |
9h31 phút ngày 13/4, Trung tâm Kiểm soát tiếp cận – tại sân Tân Sơn Nhất (APP TSN) đang hoạt động bình thường thì bất ngờ bị mất điện, tủ điện tổng chập cháy, nguồn cung cấp điện cho các thiết bị đầu cuối, phục vụ điều hành bay tiếp cận tại APP bị tê liệt.
Sự cố bất ngờ được kíp trưởng APP TSN thông báo ngay cho kíp trưởng Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (ACC), đồng thời đề nghị được chuyển quyền kiểm soát cho đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất (TWR TSN) để điều hành hoạt động bay.
ACC liền thông báo ngay cho các tàu bay trong khu vực kiểm soát, khi chuyển giao vào khu vực APP cần sử dụng tần số liên lạc trên VHF 18.7Mhz hoặc 130,0MHZ để liên lạc với APP. Đồng thời TWR TSN tạm dừng việc cấp huấn lệnh cho các tàu báy cất cánh từ Tân Sơn Nhất để đảm bảo an toàn.
Thông tin về sự cố được cấp báo ngay cho lãnh đạo công ty Quản lý Bay Miền Nam, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam, trực lãnh đạo Quản lý bay miền Nam ông Đỗ Hoàng Điệp cho triển khai ngay phương án ứng phó ngắn hạn.
Ông Điệp yêu cầu APP/TWR TSN thông báo ngay cho cơ quan liên quan biết về việc triển khai ứng phó cho APP TSN, yêu cầu APP TSN phân công kiểm soát viên không lưu của APP di chuyển đến đài không lưu tăng cường và chuyển điều hành bay cho khu vực trách nhiệm APP. Yêu cầu trung tâm Đảm bảo kỹ thuật nhanh chóng kiểm tra sự cố kỹ thuật. Bộ phận kỹ thuật đã phát hiện tủ điện tổng cấp cho trang thiết bị đầu cuối bị chập và cách ly phần dây và thiết bị điện bị chập, sau đó khôi phục lại nguồn điện bình thường.
Hệ thống hoạt động bình thường, kíp trưởng APP thông báo cho ACC và TWR TSN biết để trở lại hoạt động điều hành bay như ban đầu, gọi điện thông báo cho các cơ quan liên quan thông báo kết thúc việc ứng phó không lưu tại APP TSN.
Trên đây là tình huống diễn tập ứng phó không lưu với giả định mất điện tại APP và mất 23 phút để toàn bộ hệ thống hoạt động trở lại bình thường.
Đánh giá về kết quả kịch bản diễn tập ứng phó hàng không diễn ra tại Công ty Quản lý bay Miền Nam, ông Bùi Văn Võ – Trưởng phòng Quản lý hoạt động bay Cục HKVN nhận xét: Kịch bản hơi đơn giản, chỉ diễn ra trong nội bộ quản lý bay, mà chưa có điều kiện xây dựng chế độ thực tập trên vùng trời, sự việc xảy ra thì vai trò nhà chức trách hàng không (cảng vụ) ở đâ?. Lúc đó đài chỉ huy thấy gì, máy bay trên trời diễn biến ra sao, ai ra lệnh dừng máy bay cất cánh, Quản lý cảng Tân Sơn Nhất lúc này làm gì?...
Ông Võ mong muốn Cục tác chiến – Bộ tổng Tham mưu mạnh dạn chỉ đạo cho công tác chuẩn bị, đây là lần diễn tập đầu tiên theo yêu cầu của ICAO, nên lần sau thể học tập mẫu kịch bản của các đợt diễn tập cứu nạn khẩn nguy, chống khủng bố trước đây để rút tỉa và hiệp đồng phối hợp với các đơn vị liên quan.
Trung tá Lê Đình Tấn – Trưởng Trung tâm Quản lý điều hành bay Khu vực 3 – Sư đoàn 370 cho rằng kịch bản nên bổ sung thêm lưu lượng máy bay cần hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất lúc đó là bao nhiêu, thông báo giải quyết sự cố trong bao lâu và phương án giảm ùn tắc cho TSN, điều máy bay hạ cánh tạm xuống Cam Ranh, Cần Thơ, Liên Khương… Kịch bản phải có sự phối hợp với bên phòng không không quân. Lực lượng phòng không phải nhận được thông báo để mở cửa bầu trời cho các máy bay dân sự hạ cánh ngoài TSN.
Về việc sử dụng chung kiểm soát không lưu của bên quân sự khi không lưu dân sự trục trặc, Cục tác chiến cho biết sẵn sàng chia sẻ, vấn đề là phải phối hợp nhịp nhàng và có công tác diễn tập cụ thể hơn – Thượng tá Trần Quang Trình, Cục Tác chiến Bộ tổng tham mưu cho biết.
Về phía Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Nam Tiến – Phó Giám đốc, kịch bản xử lý trong ứng phó nội bộ rất nhịp nhàng. Tuy nhiên lúc xảy ra sự cố chưa thấy thể hiện phối hợp với cảng TSN, có bao nhiêu chuyến bay bị ảnh hưởng, việc phối hợp hạ cách ra sao, thông báo không được cất cánh thế nào, và ai là người phát ngôn thông tin cho báo chí truyền thông.
Tổng kết về diễn tập ứng phó không lưu tại APP TSN, ông Đoàn Hữu Gia – Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay Việt Nam nhận xét, đây là lần diễn tập đầu tiên nên cũng là dịp để tiếp thu các ý kiến. Chủ yếu lần này làm đơn giản, vận hành nhịp nhàng cơ chế báo cáo – chỉ huy ứng phó mà không dùng thực binh, làm nhanh gọn để mọi người thực hiện hình dung ra rằng chỉ mất điện tại Trung tâm tiếp cận – tại sân Tân Sơn Nhất, còn kiểm soát không lưu đường dài (ACC), Đài kiểm soát không lưu TSN (TWR TSN) vẫn hoạt động bình thường, và máy bay không phải di chuyển sang sân bay khác.
Tuy nhiên ông Gia cũng nêu ra hai vấn đề rút kinh nghiệm là việc máy bay không cất cánh được, máy bay trên trời chưa xuống được thì phải bay chờ, như vậy vẫn thiếu tình tiết ứng phó giải quyết cụ thể này. Những ý kiến trong buổi diễn tập sẽ được bổ sung trong đợt diễn tập ứng phó lần sau – ông Gia cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận