Bình luận

"Quýt làm cam chịu" và chuyện cười ra nước mắt ở bóng đá Việt Nam

30/08/2021, 19:33

CLB Hải Phòng, CLB Thanh Hóa đều đã và đang rơi vào cảnh đùn đẩy trách nhiệm tài chính.

Ngày 30/8, người hâm mộ bóng đá Việt Nam xôn xao với thông tin CLB Hải Phòng nợ thuế gần 18 tỷ đồng.

Nếu từ nay tới 10/9, đội bóng đất Cảng không hoàn thành nghĩa vụ thuế, họ sẽ không được quyền tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2022.

img

Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Văn Hoàn. Ảnh Công Dụng

Về việc này, ông Trần Văn Hoàn, Chủ tịch CLB Hải Phòng cho hay, khoản nợ thuế trên phát sinh từ thời người tiền nhiệm - Trần Mạnh Hùng.

Ông Hoàn khẳng định mình không có trách nhiệm chi trả và sẽ làm việc với ông Hùng cùng cơ quan chức năng để xử lý.

Ông Hoàn còn cho biết trên tờ Thanh Niên, nếu công ty tiền nhiệm không giải quyết sớm vụ nợ thuế (trước ngày 10/9 như VFF yêu cầu), CLB Hải Phòng sẽ không tham gia hệ thống bóng đá chuyên nghiệp mùa sau.

Vụ việc của CLB Hải Phòng khiến người viết nhớ tới CLB Thanh Hóa.

Khi bầu Đệ chuyển giao cho bầu Đoan, đội bóng xứ Thanh đang là bị đơn của vụ kiện tại FIFA.

HLV Fabio Lopez kiện CLB Thanh Hóa bởi sa thải ông không lý do, khômg bồi thường hợp đồng.

FIFA sau đó phán quyết Thanh Hóa thua kiện, phải bồi thường 200 nghìn USD nhưng bầu Đoan nhất quyết không thanh toán khoản tiền phạt.

Bầu Đệ cũng không chịu bỏ tiền bởi đã bàn giao đội bóng. Vậy là Sở VH-TT&DL Thanh Hóa phải đứng ra gánh khoản tiền trên.

Quay trở lại với CLB Hải Phòng, động thái của ông Trần Văn Hoàn cho thấy ông sẽ hành động như bầu Đoan.

Ông Trần Mạnh Hùng hiện không còn liên quan tới CLB Hải Phòng, lại đang sinh sống tại TP.HCM nên việc gặp gỡ giải quyết tồn đọng không hề đơn giản.

Cần nhắc lại, Chủ tịch CLB Hải Phòng thay vì nỗ lực tìm giải pháp lại nói rằng sẵn sàng không tham dự các giải chuyên nghiệp.

Là đội bóng gần như hoạt động 100% bằng nguồn ngân sách, ông Hoàn trên cương vị người đứng đầu phát ngôn như vậy liệu có thỏa đáng?

Đáng nói hơn nữa, dù đã nắm được khoản nợ thuế trên nhưng ông Hoàn không hề xắn tay giải quyết suốt thời gian qua.

Nhìn tổng thể, hai trường hợp trên tuy không phổ biến nhưng lại là điển hình của tư duy nhiệm kỳ, rời ghế là phủi tay, đang ngồi ghế cũng phủi tay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.