Đại úy Nguyễn Quốc Hùng (ngoài cùng bên trái) và tổ công tác đặc biệt liên ngành tỉnh Hà Tĩnh |
Lần đầu gặp Ðại úy Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng Phòng PC67 Công an tỉnh Hà Tĩnh, nhìn bề ngoài thư sinh nhưng người lãnh đạo trẻ này lại là "sát thủ" đối với đội quân xe quá tải tại điểm "nóng" Kỳ Anh, Hà Tĩnh những ngày đầu tháng 1 vừa qua.
72 giờ mưu trí, triệt "hổ vồ"
Lật giở từng trang của cuốn Nhật ký tuần tra, Đại úy Hùng thông tin cho chúng tôi một cách hết sức vắn tắt những kết quả tổ công tác đặc biệt liên ngành đã làm được trong nửa tháng vừa qua. Đó là 200 trường hợp vi phạm bị xử lý, trong số này 30 trường hợp cơi thùng, chở quá tải, 160 trường hợp bị phát hiện vi phạm quá hạn kiểm định hoặc hết niên hạn kiểm định, tạm giữ 160 ô tô, phạt tiền trên 800 triệu đồng.
Cùng đó, lực lượng liên ngành đã vận động trên 100 phương tiện cắt bỏ thành thùng cơi nới. Tuy nhiên, theo Đại úy Hùng, điều khiến anh em cảm thấy vui nhất chính là các chủ xe, lái xe đã biết chấp hành.
Nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm vụ, Đại úy Hùng chia sẻ: Ban đầu, Tổ công tác được cử đi thực hiện chuyên đề xử lý xe quá tải, xe hết hạn đăng kiểm chỉ bao gồm 6 người, trong đó có: Ba cán bộ, chiến sĩ CSGT - PC67, hai cán bộ thanh tra và một nhân viên đăng kiểm, phương tiện chỉ có hai xe tuần tra và một bộ cân.
Trong khi đây là địa bàn phức tạp, nhiều đường nhánh thế bàn cờ, tình hình vi phạm chở quá tải lại đang diễn ra phổ biến, nhất là loại xe "hổ vồ" chuyên phá đường, tuy nhiên, anh em trong Tổ công tác đều đặt quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 2008, tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, Thiếu úy Nguyễn Quốc Hùng về làm việc tại Phòng CSGT Hà Tĩnh. 30 tuổi đời, 7 năm tuổi nghề, hai năm ngồi ghế lãnh đạo phòng CSGT Hà Tĩnh, Đại uý Hùng trưởng thành từ lính tuần tra, rồi Đội phó Đội Tham mưu, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, đến cuối năm 2013, ở cấp bậc Thượng úy, Nguyễn Quốc Hùng chính thức được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Phòng CSGT Hà Tĩnh với vai trò phụ trách công tác xử lý. Quá trình 6 năm công tác tại PC67 Hà Tĩnh, Đại úy Nguyễn Quốc Hùng đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND năm 2013, bốn năm liền đạt Chiến sỹ thi đua cơ sở, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an năm 2012, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh năm 2013, Bằng khen của T.Ư Đoàn cùng nhiều giấy khen. |
Chiều 28/12, Tổ công tác dành một buổi để khảo sát địa hình, tính toán phương án tuần tra, chọn nơi tạm giữ phương tiện và chọn sân Nhà khách Bộ Công an nằm ở trung tâm thị trấn Kỳ Anh làm "Đại bản doanh", 6 người chia hai mũi phân tuyến tuần tra lưu động trên 100 km đường, mọi trường hợp vi phạm bị phát hiện sẽ đưa về đây xử lý.
8h ngày 29/12, Tổ công tác bắt đầu ra quân, mũi thứ nhất do Đại úy Hùng chỉ huy, bám sát QL1 thẳng hướng Khu kinh tế Vũng Áng. Mũi thứ hai do Thiếu tá Trần An Ninh, Đội trưởng Đội TTKS phía Nam chỉ huy, tuần tra dọc QL12C, đường tránh thị trấn Kỳ Anh.
Chưa đầy một buổi sáng, đã có hơn 10 xe quá tải, cơi nới thành thùng bị phát hiện, được áp tải đưa về bãi chờ xử lý: "Ban đầu cánh lái xe, chủ xe xin không được, có trường hợp còn khóc lóc kể lể, thậm chí làm quen mua chuộc và dùng các mối quan hệ để can thiệp và cả nhắn tin đe dọa… Nhưng trước thái độ cương quyết và tinh thần quán triệt từ đầu của mỗi cán bộ, chiến sĩ, tất cả đều phải chấp hành", Đại uý Hùng nói.
Khép lại ngày ra quân đã có 30 trường hợp vi phạm bị xử lý, trong đó có 10 trường hợp quá tải, 8 trường hợp cơi nới thành thùng, còn lại là hết hạn kiểm định.
Đến ngày thứ hai, cục diện bỗng chốc thay đổi hoàn toàn: "Trên đường tuyệt nhiên không thấy bóng xe quá tải, trong khi xe tuần tra đi đến đâu luôn có một đến hai xe ô tô con bám đuôi theo dõi. Tổ công tác dừng xe xử lý chỗ này, chỗ khác xe quá tải tháo chạy rầm rầm", Đại úy Hùng kể lại.
Với kinh nghiệm của mình, Đại úy Hùng nhận thấy đây là thủ đoạn dùng "chim mồi" chống đối, liền yêu cầu tất cả thành viên trong Tổ công tác thu quân về "đại bản doanh". Tại đây, sau cuộc hội ý, các thành viên trong Tổ công tác tháo bỏ quân phục, thay vào đó là thường phục, cất xe tuần tra, tắt điện thoại, tiếp tục chia làm hai mũi, mang thẻ ngành, dùng xe biển trắng tuần tra lưu động.
Thay đổi này đã làm vô hiệu hóa hoàn toàn đội ngũ "chim mồi", hàng đoàn xe cơi thùng, chở quá tải bị Tổ công tác "phục kích" đưa về bãi chờ xử lý. "Sau ba ngày ra quân, đã có 64 xe vi phạm, trong đó 34 xe quá hạn đăng kiểm, 18 xe tự ý cơi nới thành thùng bị buộc cắt thùng tại chỗ và 12 xe chở quá tải trọng cho phép. Đáng mừng nhất là xe cơi thùng, quá tải đã giảm đáng kể, nhiều lái xe, chủ xe sợ bị phạt mà tự đưa phương tiện đi cắt bỏ thành thùng cơi nới" , Đại úy Hùng cho biết.
Ngày ngủ 4 tiếng, người ốm, người sụt cân
"Lực lượng mỏng, nhiệm vụ nặng nề khiến anh em phải căng mình ra làm việc, có lúc lên đến 20 tiếng/ngày. Vì thế, chỉ sau ba ngày "phơi nắng, dầm sương", hầu hết các cán bộ, chiến sĩ trong Tổ bắt đầu có dấu hiệu xuống sức. Tổ có 6 người thì bốn người bị ốm, hai người bị sụt cân, bản thân tôi cũng nằm trong số đó”, Đại úy Hùng chia sẻ cái khó của những ngày đầu.
Tuy nhiên, vì yêu cầu công tác, nếu việc xử lý chùng xuống sẽ tạo tiền lệ xấu, vì vậy, Đại úy Hùng đã đề nghị bổ sung lực lượng và thiết bị hỗ trợ tổ công tác. Đến ngày 3/1, UBND tỉnh đã quyết định điều động thêm 9 người, nâng quân số Tổ liên ngành lên thành 15 người, trong số các cán bộ, chiến sĩ được bổ sung có thêm lực lượng CSCĐ giúp anh em trong tổ an tâm hơn khi làm nhiệm vụ.
Liên quan đến áp lực công việc, Đại úy Hùng tâm sự: "Ngoài việc thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại, tin nhắn tự xưng là lãnh đạo ngành này, ngành kia để xin xỏ, tạo sức ép thì lực lượng liên ngành phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm đến từ sự manh động của chính đội ngũ lái xe. Đơn cử như đêm 12/1, khi phát hiện bị Tổ liên ngành truy đuổi vì chở quá tải, tài xế Tạ Danh Trọng (SN 1988, trú tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) điều khiển xe "hổ vồ" BKS 38C-0220 không ngần ngại vừa tăng ga vừa nâng ben đổ đá xuống đường chặn lực lượng chức năng.
Hay như ngày 2/1, để trốn tránh sự truy đuổi của lực lượng chức năng, tài xế Đỗ Quốc Huy (SN 1992, trú tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) điều khiển xe "hổ vồ" BKS 90C-029.46, đã cho xe đâm thẳng vào Tổ liên ngành".
"Bí kíp" triệt xe quá tải
Chia sẻ về kinh nghiệm được cho là "bí kíp" triệt xe quá tải tại điểm "nóng" Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Đại úy Hùng cho biết: Xử lý xe quá tải ở địa bàn phức tạp như Kỳ Anh rất khó, bởi nó liên quan đến nhiều người, nhóm lợi ích, nhiều mối quan hệ phức tạp.
Chính vì vậy, quá trình triển khai, cần khôn khéo và phải xử lý hài hòa các mối quan hệ, tôi cho rằng có bốn yếu tố tạo thành công của chiến dịch là: Nội bộ đoàn kết, nhất trí phát huy tinh thần quyết tâm cao; Nói không với tiêu cực, từ chối mọi sự can thiệp; Nắm rõ địa bàn tình hình hoạt động của xe quá tải, xây dựng mạng lưới nguồn tin từ quần chúng nhân dân; Ngoài ra quá trình xử lý phải kết hợp với tuyên truyền, giải thích, vận động để mọi người tự giác chấp hành.
Không cho rằng đây là thành tích cá nhân, mà theo Đại úy Hùng đó là kết quả của sự vào cuộc bởi cả hệ thống chính trị. Đặc biệt sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh, tinh thần trách nhiệm cao của anh em trong Tổ công tác và trên hết là sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ quan thông tấn báo chí, quần chúng nhân dân và các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận