Xã hội

"TP.HCM phải tạo ra các "tổ đại bàng" cho doanh nghiệp"

05/05/2021, 16:37

Theo chuyên gia, TP.HCM phải tạo môi trường “đất lành chim đậu” cho người dân và tạo ra các “tổ đại bàng” cho doanh nghiệp.

img

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM

Những mục tiêu quan trọng của TP.HCM

Ngày 5/5 tại TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó đến năm 2025, TP.HCM sẽ là đô thị thông minh; thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Đặc biệt thành phố muốn trở thành nơi đi đầu đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt cùng GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.

Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn 2045, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Bởi vậy chủ tịch UBND đánh giá, hội thảo hôm nay để lắng nghe, tổng hợp ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học… về các giải pháp lớn để phát triển TP.HCM - đô thị lớn nhất của cả nước về dân số và quy mô kinh tế trong hơn 45 năm qua.

Cần coi TP.HCM là siêu đô thị

Tại hội thảo, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, lâu nay chúng ta chỉ coi TP.HCM là đầu tàu của cả nước và điều đó đúng nhưng chưa đủ.

"Cần coi TP.HCM là siêu đô thị toàn cầu, trung tâm kinh tế - tài chính - văn hóa ở khu vực Đông Nam Á và tiến tới là Châu Á", ông nói.

Để thực hiện được điều đó, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng cần chọn một số ưu tiên chiến lược. Cụ thể, nên hạn chế những ngành công nghiệp mà chuyển sang dịch vụ. Nếu TP.HCM tiếp tục định vị mình như một thành phố phát triển công nghiệp, thì không chỉ bất khả thi, mà còn đánh mất cơ hội của TP.HCM trong 10-20 năm nữa.

Với tầm nhìn xa hơn, TP.HCM cần chuyển đổi, chuyển sang nền kinh tế có tính đổi mới sáng tạo chứ không thuần túy dựa vào đầu tư. Hội nhập là quan trọng nhưng nội lực mới là then chốt, bởi không một đô thị lớn nào, không một quốc gia nào phát triển chỉ nhờ ngoại lực.

Riêng về thu hút được những tập đoàn lớn nhất đến TP.HCM, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng để làm được điều này TP.HCM phải tạo môi trường “đất lành chim đậu” cho người dân và tạo ra các “tổ đại bàng” cho doanh nghiệp…

Tại hội thảo, chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, TP.HCM đã lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý dự án, Hội đồng thẩm định dự toán nhiệm vụ lập quy hoạch. Đồng thời, giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM chủ trì hoàn chỉnh Đề cương và xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, dự toán kinh phí lập quy hoạch.

Để đảm bảo nhiệm vụ lập quy hoạch TP.HCM đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, có tính khoa học và thực tiễn, chuyển thể được các giải pháp lớn mà các đại biểu góp ý tại hội thảo, ông Phong yêu cầu các sở ban ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ. Trong đó, có việc mời gọi các đơn vị tư vấn, uy tín trong và ngoài nước tham gia lập quy hoạch, để công tác quy hoạch đạt chất lượng cao nhất, chuyển tải được những khát vọng vươn lên mạnh mẽ của TP.HCM.

Việc lập quy hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2022 theo tiến độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.