An ninh hình sự

"Xe dù, bến cóc" đã phát triển thành "tập đoàn xe dù"

13/11/2016, 16:32

Nguyên Lãnh đạo Sở GTVT thẳng thắn nhận xét “ở TP.HCM không còn xe dù nữa, mà đã chuyển thành tập đoàn xe dù”.

aaa

"Xe dù, bến cóc" đã phát triển thành "tập đoàn xe dù"

Theo 12 Doanh nghiệp vận tải lớn ở TP.HCM, nguyên nhân chính để cho “xe dù, bến cóc” bành trướng là do buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, thậm chí là “chống lệnh chỉ đạo Cấp trên” của lực lượng thanh tra chuyên ngành.

“Tập đoàn xe dù” lập Bến xe khách lậu

Các “Tập đoàn xe dù” thường lập Bãi đỗ xe trái phép, để khai báo với Sở GTVT là nơi đỗ xe nhằm đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, vừa là nơi tổ chức đón trả khách, tổ chức bán vé lẻ và đặt chỗ cho hành khách, tổ chức giao nhận hàng hóa như một bến xe.

Mặc dù, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT đã có quy định “không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách”. Đề nghị quy định rõ hơn “Đơn vị vận tải phải có nơi đỗ xe phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về ATGT, phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường. Cấm sử dụng nơi đỗ xe, bãi đỗ xe để đón, trả khách và giao nhận hàng hóa”.

Ví dụ điển hình là Bến xe khách lậu tại số 419 Lê Hồng Phong, Phường 2, Quận 10, TP.HCM của Công ty TNHH Thành Bưởi. Khi tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã có ý kiến “Công ty TNHH Thành Bưởi tổ chức hoạt động và xây dựng các hạng mục công trình có đầy đủ chức năng như một bến xe nhưng không theo Quy hoạch”.  

Trước sự bành trướng của “Tập đoàn xe dù” Thành Bưởi, Thanh tra Bộ GTVT đã có Công văn chỉ đạo số 1105/TTr-P3 ngày 03/10/2016, UBND TP.HCM có Công văn chỉ đạo số 5386/UBND-ĐT ngày 29/09/2016 và Chủ tịch UBND Quận 10 kết luận thanh tra các hành vi sai phạm bằng Báo cáo số 8489/BC-UBND ngày 21/09/2016. Tất cả đều yêu cầu Thanh tra Sở GTVT TP.HCM xử phạt theo Điều 14 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP, nhưng đến nay Thanh tra Sở GTVT TP.HCM chống lệnh, không thực hiện theo chỉ đạo của Cấp trên.

Rõ ràng, “Tập đoàn xe dù” Thành Bưởi được sự che chở, nâng đỡ, chống lưng của một số cơ quan chức năng. Không chỉ ở TP.HCM, ở Đà Lạt “Tập đoàn xe dù” Thành Bưởi cũng được “chiếu cố” đặc biệt. Cụ thể: Công ty TNHH Thành Bưởi đã được tiếp tay rồi thuê đất công để làm bến xe số 5 Lữ Gia và tổ chức xe khách trá hình. Đây là bến xe “hy hữu” và “lạ đời” nhất ở Việt Nam, bởi vì Bến xe này được công nhận từ việc cộng, ghép 2 miếng đất riêng lẻ, 1 miếng thuộc sở hữu đất của Quân đội và cách xa nhau gần 200m!.

“Tập đoàn xe dù” tổ chức “Xe khách trá hình”

Theo Sở GTVT TP.HCM, “Xe khách trá hình” là hoạt động của các xe khách có phù hiệu xe Hợp đồng, biển hiệu xe du lịch nhưng đón trả khách theo phương thức vận tải hành khách theo tuyến cố định tại các điểm cố định và hành trình chạy xe cố định trong khu vực nội đô thành phố để đi đến các tỉnh, thành phố khác và ngược lại.

Pháp luật hiện hành đã quy định, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Các xe Hợp đồng, Du lịch vi phạm sờ sờ trước mắt nhưng không bị phát hiện và xử lý khiến dư luận nghi ngờ.

Về giải pháp để xử lý triệt để “xe khách trá hình”, đề nghị tiếp tục hoàn chỉnh quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Cụ thể: Thứ nhất, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch cần bổ sung “các tổ chức và cá nhân không được tự tổ chức thu gom hành khách lẻ, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ, thông tin chuyến đi theo tính chất của tuyến cố định cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức”.

Lý do, hiện nay chính các Doanh nghiệp kinh doanh “trá hình” xe Hợp đồng, xe Du lịch như Công ty TNHH Thành Bưởi chạy tuyến Sài Gòn-Đà Lạt, đã thành lập Trung tâm hoặc Công ty mới để đứng ra gom khách rồi ký Hợp đồng thuê xe với chính Doanh nghiệp của họ.

Thứ hai, 12 Doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM đã kiến nghị sử dụng thiết bị giám sát hành trình (GPS) để xử lý “xe khách trá hình”. Cụ thể: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định không được ấn định trước lịch trình, hành trình; trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 20% tổng số chuyến xe của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc gần trùng nhau. Đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch, trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 20% tổng số chuyến xe của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc gần trùng nhau. Ví dụ: Công ty TNHH Thành Bưởi tổ chức “xe khách trá hình” chạy cố định tuyến Sài Gòn-Đà Lạt, ngày bình thường 1 xe chạy 1 vòng (2 chuyến) từ Sài Gòn lên Đà Lạt rồi quay về lại Sài Gòn. Nhưng ngày Lễ, Tết mỗi xe chạy tới 3 chuyến/ngày, tức từ Sài Gòn lên Đà Lạt rồi quay về Sài Gòn sau đó lấy khách đi tiếp Đà Lạt. Thực tế, không có cá nhân, tổ chức nào có nhu cầu thuê xe kiểu như thế!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.