Thuyền trưởng Lê Bá Hoạt tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. |
Tàu bị đánh chìm, được coi là mất tích, thế nhưng sau gần 2 ngày đêm trôi dạt, lênh đênh trên biển, 4 thuyền viên tàu HD 2155 đã cùng nhau sống sót về bờ an toàn.
Trở về là một phép màu
Ngày 17/10, các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cho biết: 3 trong số 4 thuyền viên sau 40 giờ lênh đênh trên biển đã hồi phục và có thể làm thủ tục xuất viện, thuyền viên còn lại do sức khỏe yếu nên cần được sự hỗ trợ của các bác sĩ trong những ngày tới tại bệnh viện. Trước đó, chiều 16/10, 4 thuyền viên trên tàu HD 2155 bị chìm ở cửa biển sông Gianh, được xác định mất tích từ rạng sáng 14/10 đã tự bơi về khu vực bờ biển xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cách vị trí tàu gặp nạn gần 20 hải lý. Ngay sau khi được phát hiện, 4 thuyền viên được người dân địa phương đưa đến Đồn Biên phòng Ngư Thủy Bắc để sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.
Gặp thuyền trưởng Lê Bá Hoạt, máy trưởng Nguyễn Ngọc Thành và 2 thuyền viên Vũ Như Thắng, Ngô Văn Duy tại khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi anh Hoạt và các thuyền viên vẫn khỏe mạnh, tỉnh táo. Duy chỉ có máy trưởng Nguyễn Ngọc Thành đang phải điều trị tích cực do mất sức nhiều. Ký ức về 2 ngày đêm trôi dạt trên biển vẫn là nỗi ám ảnh trong họ. Thuyền trưởng Hoạt chia sẻ: Về được bờ đúng là một phép màu, gần 2 ngày lênh đênh trên biển, dù anh em động viên nhau cố gắng bám trụ nhưng thực sự không ai nghĩ rằng mình có thể sống sót giữa mưa giông và nước lũ: “Tàu HD-2155 về neo tránh gió ở cửa sông Gianh từ chiều 12/10.
Đến ngày 13/10 mưa lớn, nước sông lên nhanh, chúng tôi không kịp rời tàu về bờ. Anh em động viên nhau cố gắng nổ máy giữ tàu yên vị trước dòng nước lũ, thế nhưng đến rạng sáng 14/10, dây neo tàu bị đứt, nước lũ đẩy thuyền trôi nhanh ra cửa biển. Sau khi tàu bị mắc cạn ở cửa sông Gianh, anh em liên lạc với lực lượng Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình và đồn biên phòng để được cứu giúp, nhưng nước lũ mạnh đã đẩy tàu chao nghiêng và có nguy cơ bị nhấn chìm. Tôi gọi tất cả anh em trên tàu tập trung về buồng lái, mặc áo phao, thả phao bè, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Đồng thời, bắn pháo hiệu để tàu của lực lượng cứu hộ xác định vị trí, tới cứu. Thế nhưng, khi phao bè vừa được hạ xuống, tàu bất ngờ xoay nghiêng rất mạnh, khi đó tôi chỉ kịp hô anh em nhảy xuống trước khi tàu lật úp, chìm xuống biển”, thuyền trưởng Hoạt nhớ lại.
Sau một hồi vật lộn với dòng nước lũ, cả 4 người đã bám được vào phao bè mặc nước lũ đẩy trôi ra biển trong đêm tối mịt mùng, mưa to, gió lớn.
Hai cây sào, bảo bối cứu sống 4 thuyền viên
Thuyền viên Ngô Văn Duy |
“Chỉ cần chậm khoảng 1 phút nữa thôi là tất cả mọi người đã bị chìm theo tàu rồi”, thuyền viên trẻ nhất Ngô Văn Duy (SN 1990, quê Thanh Hóa) nằm bên cạnh kể tiếp. Duy cho biết, may mắn trong chuyến đi này có anh Vũ Như Thắng (SN 1964, người có hơn 30 năm kinh nghiệm đi biển), từng bị trôi dạt hơn 30 giờ trên biển do chìm tàu vào năm 1997. Chính anh Thắng là người đã động viên, trấn an tinh thần anh em suốt thời gian bị trôi dạt trên biển và chính là người nghĩ ra cách kết áo phao làm buồm để mọi người vào bờ an toàn.
“Từ lúc rơi xuống biển, 4 thuyền viên cùng nhau chèo lên phao bè để khỏi bị ngâm nước quá lâu, tuy nhiên, do sóng lớn, gió to khiến phao bè bị lật liên tục. Lúc này, thuyền viên Thắng bằng kinh nghiệm của mình đã khuyên mọi người bình tĩnh, bám chặt phao bè. 4 người chia nhau luân phiên, 2 người ngồi trên phao, 2 người bơi ở dưới bơi giữ phao bè ổn định để phao không bị lật cho đến lúc vào bờ”, Duy kể.
Quá trình trôi dạt trên biển, các thuyền viên bị dòng hải lưu, kết hợp nước lũ đẩy ra tới gần cảng Hòn La, rồi lại đẩy vào khu vực đèo Lý Hòa, có lúc lại bị giật về gần cửa sông Gianh. Nhiều lúc ngồi trên phao bè nhìn thấy tàu thuyền đi lại ở phía xa mà không thể lại gần được. Ngày thứ nhất qua đi, mọi người không có lương thực, không có nước uống, vì thế nước mưa chính là cứu cánh cho các thuyền viên. Mỗi khi mưa xuống, mọi người lại ngửa mặt lên hứng nước, được giọt nào hay giọt đó. Đến đêm thứ 2, phao bè trôi vào gần TP Đồng Hới, mọi người nhìn thấy cả cột đèn, cả khách sạn nhưng không tài nào đưa bè vào bờ được vì nước lũ từ sông Nhật Lệ đẩy phao trôi ra xa.
“Đói, mệt, rét và mất sức, có người trong nhóm đã nghĩ đến kết cục xấu nhất, nhưng bác Thắng luôn là người động viên trấn an tinh thần cho nhóm. Đến ngày 16/10, khi đang lênh đênh dọc bờ biển, nhóm thuyền viên vớt được 2 cây sào cắm lưới, đang trôi trên biển. Bác Thắng hô lớn: “Sống rồi!, sống rồi!”. Mọi người vẫn chưa hiểu chuyện, thì ông đã nhanh tay cởi áo phao của mình, áo phao của mọi người, kết lại với nhau, rồi dùng dây trên áo phao, trên phao bè, buộc dựng đứng 2 chiếc sào lên. Lúc này, mọi người mới hiểu bác Thắng muốn kết áo phao làm buồm để chủ động điều khiển phao bè. Đây chính là kinh nghiệm bác Thắng đã tích lũy được trong lần trôi dạt trên biển cách đây gần 20 năm”, thuyền viên Duy nhớ lại.
Nhờ có chiếc buồm tự chế, mà phao bè thoát được dòng nước lũ, dần dần tiến vào bờ. Đến chiều tối 16/10, khi phao tiến gần được tới bờ, 4 thuyền viên nhảy xuống biển, dùng chút sức lực cuối cùng bám phao bơi vào bờ. “Khi cập bờ, chúng tôi cũng không biết mình đang ở đoạn nào, chỉ thấy có hồ tôm, rồi cứ đi thẳng khoảng 20 phút thì gặp người dân. Bấy giờ, chúng tôi mới biết là mình đã được cứu sống”, thuyền viên Duy vui mừng kể.
Khi 4 thuyền viên bị trôi ra biển, Bộ GTVT đã điện chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, lực lượng cứu hộ của Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình đưa tàu đi ứng cứu khẩn cấp. Sau 2 ngày không tìm thấy các thuyền viên mất tích, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã chỉ đạo điều thêm tàu tìm kiếm, tăng cường đội thợ lặn để xác định vị trí tàu chìm. Bằng mọi cách phải tìm được người bị nạn. Hiện tại, lực lượng cứu hộ đã xác định được vị trí của 2 chiếc tàu chìm và lên phương án trục vớt cũng như tìm kiếm 1 thuyền viên còn đang mất tích. |
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận