Ảnh minh họa |
Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại Bộ Công Thương (VITIC) cho biết, ngành dệt may hiện mới chỉ chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Trong hai tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày đạt 658,42 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Thị trường nhập khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp vẫn là Trung Quốc 232,83 triệu USD, chiếm 35,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 33,16% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc với 104,07 triệu USD, chiếm 15,8%, giảm 5,27%. Thứ ba là Đài Loan với 64,27 triệu USD, chiếm 9,8%, tăng 19,01%.
Bên cạnh đó, một số thị trường khác có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh như: Ba Lan (tăng 191,15%, đạt 0,45 triệu USD), Brazil (tăng 99,7%, đạt 38,23 triệu USD), Anh (tăng 40,68%, đạt 2,25 triệu USD).
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Hoa Kỳ Canada, Áo và Singapore đều giảm với mức giảm lần lượt là 0,48%, 90,15%, 46,82% và 37,22% so với cùng kỳ năm trước.
VITIC cũng cho biết, trong hoạt động nhập khẩu nói trên, đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp ngành dệt may phải nhập toàn bộ nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc do chi phí nhập khẩu từ các thị trường khác tăng cao hơn. Như giá thành nhập từ Nhật Bản cao hơn khoảng 25-35% so với nhập từ Trung Quốc.
Theo VITIC, để chủ động tham gia các hiệp định thương mại như TPP, nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu chắc chắn sẽ không khai thác được lợi thế từ các hiệp định này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận