Theo dõi hoạt động của phương tiện tại Trung tâm dữ liệu TBGSHT tại Tổng cục Đường bộ VN - Ảnh: Tiến Mạnh |
Hơn 1.500 phương tiện vận tải đã bị cơ quan chức năng xử phạt, tước phù hiệu, giấy phép kinh doanh sau khi hàng loạt vi phạm được ghi lại thông qua dữ liệu của Trung tâm thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Phạt “nguội” 1505 phương tiện
Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ VN, tính đến nay, hệ thống thông tin của Tổng cục đã tích hợp dữ liệu của gần 90 nghìn phương tiện. Tỷ lệ truyền dữ liệu bình quân hàng ngày khoảng gần 70%.
Từ tháng 5/2014 đến nay, đã có 48 địa phương thực hiện xử lý vi phạm qua TBGSHT với tổng số phương tiện bị xử lý là 1.505 xe. Trong số đó, các địa phương đã thu hồi phù hiệu 1 tháng đối với 1.019 xe. Cùng đó, hơn 380 xe đã bị thu hồi chấp thuận khai thác tuyến 1 tháng, hơn 100 phương tiện bị từ chối cấp phù hiệu. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm nay cũng đã có 176 phương tiện bị xử lý.
Theo ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN), để có cơ sở xử lý các trường hợp vi phạm qua hệ thống thông tin từ TBGSHT, Tổng cục Đường bộ VN đã cung cấp cho mỗi Sở GTVT hai tài khoản đăng nhập hệ thống theo dõi và xử lý vi phạm. Các dữ liệu được sử dụng chủ yếu tập trung vào một số thông tin như: Tốc độ phương tiện, thời gian lái xe liên tục, thông tin dữ liệu từ thiết bị gắn trên xe có truyền về hay không.
“Thời gian qua, sau khi có thông tin từ hệ thống, đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, Tổng cục Đường bộ VN ngay lập tức gửi văn bản tới các Sở GTVT đề nghị chấn chỉnh và xử lý vi phạm của các nhà xe. Đối với các trường hợp vi phạm khác, các Sở GTVT sẽ chủ động theo dõi và có biện pháp xử lý”.
Lập tức, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu Sở GTVT Thái Bình tiến hành kiểm tra, xử phạt. Đơn cử như vào ngày 18/3, sau vụ việc xe giường nằm BKS 17B - 001.46 của nhà xe Trường Kỳ chở quá số người quy định, chống đối lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Tĩnh (Báo Giao thông phản ánh), Tổng cục Đường bộ VN đã kiểm tra dữ liệu của Xí nghiệp Vận tải 27/7 Đông Hưng (chủ quản xe Trường Kỳ) phát hiện đơn vị này có tới 50/75 phương tiện chưa kết nối dữ liệu TBGSHT truyền về hệ thống thông tin của Tổng cục và có tới 26/75 phương tiện vi phạm tốc độ. Trong đó có, 11/26 phương tiện có số lần vi phạm trên 10 lần/1 nghìn km xe chạy.
Ngày 25/3, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Bình cho biết, ngay sau khi có văn bản của Tổng cục Đường bộ VN, Sở GTVT Thái Bình đã thu hồi phù hiệu ba tháng đối với xe giường nằm BKS 17B - 001.46 của nhà xe Trường Kỳ và có sự chấn chỉnh hoạt động đối với Xí nghiệp Vận tải 27/7 Đông Hưng.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ VN cũng liên tiếp có các văn bản yêu cầu Sở GTVT Bình Định có biện pháp xử lý vi phạm đối với hai DN vận tải trên địa bàn tỉnh này là HTX Vận tải ô tô Hoài Ân và HTX Vận tải Hoài Nhơn. Lý do là xe của hai DN này đều có vi phạm quy định về tốc độ kỷ lục. Xe khách BKS 77B-006.78 của HTX Vận tải Hoài Nhơn có tổng số lần vi phạm tốc độ từ 5 km/h trở lên tới 1.093 lần, trong đó số lần xe chạy với tốc độ từ 100 km/h trở lên là 90 lần.
Cùng với đó, xe BKS 77B-005.39 của HTX Hoài Ân cũng co số lần vi phạm tốc độ từ 5 km/h trở lên là 1.670 lần, trong đó vi phạm chạy từ 100 km/h trở lên tới 156 lần. Ngày 12/3, Sở GTVT Bình Định đã có văn bản phản hồi cho biết, đã thực hiện thu hồi phù hiệu một tháng đối với hai chiếc xe của nhà xe Hoài Ân và nhà xe Hoài Nhơn…
Theo dõi hoạt động của phương tiện tại Trung tâm dữ liệu TBGSHT (Tổng cục Đường bộ VN) |
Sẽ kiểm tra các tỉnh “nể nang” chưa phạt “nguội” qua TBGSHT
Dù đa phần các địa phương đã xử lý vi phạm qua dữ liệu TBGSHT. Tuy nhiên, theo Tổng cục Đường bộ VN hiện vẫn còn 15 tỉnh, thành chưa thực hiện việc xử lý vi phạm qua TBGSHT, đơn cử như: Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Ninh Thuận, Tiền Giang…
Trả lời PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Giám đốc Sở GTVT Lào Cai cho biết, việc phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra trên đường của tỉnh còn nhiều khó khăn. Đối với xe khách, nếu vi phạm có thể rút phù hiệu, tước giấy phép kinh doanh nhưng nếu là các trường hợp xe khách hợp đồng rất khó kiểm soát. Sau khi rút phù hiệu đối với xe này mà không có sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng trên, xe hợp đồng vẫn cứ chạy bình thường.
Cùng với 15 tỉnh, thành trên, Hà Nội dù là địa phương có số lượng xe vận tải rất lớn, tuy nhiên từ khi thực hiện việc xử lý vi phạm qua TBGSHT đến nay mới chỉ xử lý vỏn vẹn 16 trường hợp.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết: “Không loại trừ khả năng các địa phương trên còn có sự nể nang, thiếu quyết liệt. Theo quy định, khi có thông tin dữ liệu vi phạm một cách có hệ thống và các thiết bị đã hoạt động ổn định thì không có lý gì các địa phương không xử lý. Thực tế chứng minh, với các trường hợp vi phạm đã bị xử lý, phạt “nguội” trong thời gian qua, chủ xe, lái xe đều tâm phục, khẩu phục, không có trường hợp nào phản đối. Vấn đề là địa phương có làm quyết liệt hay không mà thôi”.
Cũng theo ông Huyện, tới đây, Bộ GTVT sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát việc xử lý vi phạm qua TBGSHT. Những địa phương vì lý do chủ quan, nể nang không thực hiện, Bộ GTVT sẽ có văn bản nhắc nhở, phê bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận