7 nhóm thuốc
Theo danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm Covid-19, có 7 nhóm thuốc: hạ sốt, giảm đau; cân bằng điện giải; hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng; sát khuẩn hầu họng; kháng virus; chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu.
Các loại thuốc điều trị cho F0 tại nhà
Cụ thể:
Thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol: cho trẻ em, gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg; cho người lớn, viên nén 250mg hoặc 500mg.
Thuốc cân bằng điện giải Dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng Vitamin tổng hợp có một trong các thành phần sau: vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D.
Thuốc sát khuẩn hầu họng - Natri clorit (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối) - Thuốc sát khuẩn hầu họng khác.
Thuốc kháng virus sử dụng theo đề cương nghiên cứu lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt hoặc theo thông tin tờ hướng dẫn sử dụng thuốc sau khi thuốc được cấp giấy phép lưu hành sản phẩm tại Việt Nam.
Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống. Lựa chọn một trong các thuốc sau: - Dexamethason 0,5mg (viên nén) - Methylprednisolon 16mg (viên nén) - Prednisolon 5mg (viên nén).
Thuốc chống đông máu đường uống : lựa chọn một trong 2 thuốc sau - Rivaroxaban 10mg (viên) - Apixaban 2,5mg (viên).
Thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu là loại thuốc bắt buộc kê đơn điều trị ngoại trú theo quy định.
Lưu ý gì khi sử dụng thuốc điều trị F0 tại nhà?
Theo Bộ Y tế, kê đơn các thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu theo quy định trên nguyên tắc như sau: Chỉ định điều trị kết hợp đồng thời thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu khi người bệnh có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp mà chưa kịp chuyển người bệnh Covid-19 đến cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch và người bệnh không thuộc phạm vi chống chỉ định của thuốc.
Các dấu hiệu suy hô hấp gồm: Khó thở, thở hụt hơi, hoặc khó thở tăng lên khi vận động (đứng lên, đi lại trong nhà) hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào, và/hoặc (2) Nhịp thở (ở trẻ em đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc): ≥ 21 lần/phút ở người lớn; ≥ 30 lần/phút ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi; ≥ 40 lần/phút ở trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi; và/hoặc (3) SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo), (khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
Khi kê đơn, lưu ý kiểm tra kỹ các chống chỉ định, khai thác thông tin về các thuốc người bệnh đang sử dụng để tránh các tương tác thuốc nghiêm trọng khi kê đơn. Tư vấn cho người bệnh hoặc người chăm sóc nhận biết một số tác dụng không mong muốn quan trọng của thuốc để kịp thời phát hiện và xử trí phù hợp trong quá trình sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận