Hội chợ phim Cannes năm nay có gì?
Lời quảng cáo của Hội chợ phim Cannes 2024 đầy rất hấp dẫn được đưa ra năm nay là: Dù bạn có phim hay dự án nào, Marché du Film (Hội chợ phim Cannes) sẽ giúp bạn kết nối đúng người.
Chúng tôi tổ chức các cuộc họp, cung cấp cho bạn nhiều không gian làm việc khác nhau, phù hợp với nhu cầu của bạn và cung cấp cho bạn các công cụ, phương tiện để giữ liên lạc với những người liên hệ với bạn sau sự kiện, giúp hoàn thiện mối liên kết còn thiếu để đưa dự án phim lên một tầm cao mới.
Nếu như nói điện ảnh là một ngành công nghiệp có tính toàn cầu thì các hội chợ phim tại các liên hoan phim trên thế giới chính là thị trường chính để quảng bá cho ngành công nghiệp đó.
Hội chợ phim Cannes (Hội chợ phim) là sự kiện tụ họp thường niên lớn nhất của ngành điện ảnh. Được tôn vinh là “trái tim của ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu”, là điểm hội tụ phải đến của toàn bộ cộng đồng điện ảnh quốc tế.
Các nhà đầu tư, sản xuất, nhà phân phối và phát hành phim, các đại lý phát hành, các đại diện liên hoan phim, đại diện các tổ chức điện ảnh, người mua và nhà tài trợ đều cùng nhau đến đây kết nối, hợp tác, thực hiện giao dịch.
Người tham dự có thể tham dự các cuộc hội thảo với mọi chủ đề đa dạng, từ việc đào tạo các nhà làm phim trẻ đến việc làm nhạc trong phim. Có các hội thảo dành cho các nhà làm phim ngắn, phim hoạt hình, phim tài liệu, phim khoa học viễn tưởng...
Có sự kiện "Shoot the book" kéo dài hai ngày hợp tác với các nhà xuất bản để giới thiệu một tuyển tập gồm 18 tác phẩm văn học có khả năng chuyển thể thành phim điện ảnh cùng nhiều sự kiện khác để phục vụ toàn diện cho thị trường điện ảnh, để ai làm việc trong lĩnh vực nào cũng có thể tìm thấy những lợi ích của mình trong đó.
Năm nay Hội chợ phim Cannes có hơn 14.000 người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh đến từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 600 đơn vị triển lãm, giới thiệu phim, chào hàng 4.000 phim và dự án, với 33 địa điểm chiếu phim.
Trong đó, có khoảng 250 sự kiện ra mắt phim và hội thảo tổ chức liên tục trong những ngày diễn ra liên hoan phim cùng với hơn 1500 suất chiếu.
8 bộ phim Việt tham dự Hội chợ phim Cannes
Vậy 8 phim điện ảnh Việt Nam góp mặt tại hội chợ phim này ra sao, các nhà làm phim Việt đã thu hoạch được những gì?
Tại Hội chợ phim này, nhiều nhà sản xuất, phát hành phim Việt Nam đã hợp tác với các nhà phát hành quốc tế để giảm bớt chi phí, tận dụng danh tiếng của nhà phát hành quốc tế.
Năm nay có 7 bộ phim Việt Nam tham gia tại Hội chợ phim Cannes. Đó là các bộ phim “Linh miêu” (đạo diễn Lưu Thành Luân), “Cô dâu hào môn” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), “Nhà gia tiên” (đạo diễn Huỳnh Lập), “Đèn âm hồn” (đạo diễn Hoàng Nam), “Án mạng lầu 4” (đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn), “Con Cám” và “Kẻ ăn hồn” (đạo diễn Trần Hữu Tấn).
Những bộ phim này được Công ty Skyline Media (Việt Nam) hợp tác với một nhà phát hành quốc tế mang đến quảng bá, giới thiệu ở Hội chợ phim.
Điều đặc biệt là 7 phim này đều thuộc dòng phim kinh dị. Những phim này đều có điểm chung là khai thác văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian của Việt Nam, đều ra mắt ở thời điểm năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều phim có doanh thu khả quan.
Đại diện Skyline Media cho biết, chưa có thông tin chính thức về việc mua bán phim Việt Nam tại Hội chợ phim Cannes lần này, vì vẫn đang trong quá trình thương lượng, giao dịch.
Nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Quân (công ty ProductionQ) của phim “Kẻ ăn hồn” cũng tham gia Hội chợ phim Cannes 2024 theo sự hợp tác với một nhà phát hành quốc tế, tuy nhiên ông cho biết việc xúc tiến mua bán phim với các đối tác cũng còn chờ kết quả, chưa thể thông tin ngay.
Ông cũng từ chối tiết lộ chi phí tham dự Hội chợ phim nhưng theo nguồn thông tin chúng tôi được biết, cách đưa phim đi dự LHP tại các hội chợ, cách khôn ngoan nhất và tiết kiệm chi phí nhất là hợp tác với đối tác quốc tế mà hồ sơ năng lực của họ tốt. Như vậy, các nhà sản xuất, ê kíp chỉ việc bỏ một số chi phí nhỏ đi lại, ăn ở, để xuất hiện tại hạng mục mình muốn và có phim của mình tham dự.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Quân cũng chia sẻ thêm việc mình tham dự 2 sự kiện của Hội chợ phim lần này là sự kiện “Shoot the book” và “Đêm điện ảnh Hồng Kông”. Nhà sản xuất này có trình bày về vấn đề “Phân tích phim/loạt phim chuyển thể tại thị trường Việt Nam thông qua nghiên cứu dư luận xã hội” tại sự kiện “Shoot the book”.
Tuy nhiên, Skyline Media không phải là nhà phát hành duy nhất mang phim Việt Nam đến với Hội chợ Cannes. Bộ phim “Đừng khóc, bướm ơi” (Don't cry, butterfly) của nữ đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh do nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đồng sản xuất, nữ diễn viên Tú Oanh (vợ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) đóng vai nữ chính.
Phim này được công ty Barunson E&A của Hàn Quốc mua để phát hành toàn cầu và mang đến bán tại Hội chợ phim Cannes.
“Chúng tôi rất vui mừng được trở thành một phần trong màn ra mắt đầy quyến rũ của Dương Diệu Linh, vì chúng tôi thực sự tin rằng cô ấy là một nhà làm phim có phong cách độc đáo.
Bộ phim thỉnh thoảng đưa ra những khoảnh khắc hài hước khi khám phá các chủ đề như sự không chung thủy của đàn ông và tà thuật, nhưng nó cũng miêu tả chân thực về cuộc sống của hai người phụ nữ, một người mẹ và con gái, sống ở Việt Nam vào những năm 2000,” Sylvie Kim, giám đốc kinh doanh quốc tế của công ty Barunson E&A cho biết.
Nhưng nếu nhìn trên phương diện rộng hơn chuyện mua bán phim, thì việc tham dự trực tiếp Hội chợ phim năm nay và những năm sau sẽ mang lại những lợi ích có tính chất bền vững. Trước hết, đó là sự làm quen, kết nối và từ đó tạo ra những cơ hội cùng làm việc, hợp tác với cộng đồng điện ảnh quốc tế.
Ban tổ chức Hội chợ phim Cannes cho biết: “Kể từ sau đại dịch, các chuyên gia điện ảnh từ các nước châu Á đang quay trở lại Hội chợ phim Cannes với số lượng lớn. Số lượng người tham gia từ Nhật Bản, Indonesia và Malaysia đã tăng gấp đôi và số người đăng ký từ Đài Loan tăng gấp 5 lần”.
Điều này cho thấy triển vọng cho thị trường điện ảnh và cơ hội cho những người làm điện ảnh Việt Nam từ Hội chợ phim Cannes là rất rõ ràng, chỉ là chúng ta có kịp thời tận dụng hay không.
Các nhà làm phim, sản xuất, phát hành phim ở Việt Nam có thể đăng ký theo hình thức này với chi phí ít tốn kém nhất để cập nhật và biết thông tin về thị trường mua bán sản phẩm điện ảnh lớn nhất thế giới, qua đó tìm những cơ hội hợp tác.
Tại gói Croisette hạng tiêu chuẩn thì lệ phí là 2.600 Euro dành cho các công ty có doanh thu hàng năm dưới 2 triệu Euro.
Còn với gói Croisette hạng VIP thì có giá là 5.500 Euro dành cho các công ty có doanh thu hàng năm trên 2 triệu Euro, chưa tính thuế VAT. Thuế VAT của Pháp trong Liên hoan phim Cannes dao động từ 10 đến 20% tùy theo sự kiện. Đây chỉ là chi phí để bỏ tiền ra thuê gian hàng triển lãm, chưa tính đến các chi phí khác.
Còn cá nhân cũng có thể tham dự mọi sự kiện của Hội chợ phim Cannes cả trực tiếp và trực tuyến với giá từ 429-600 Euro tùy thời điểm đăng ký sớm hay muộn. Còn chỉ trực tuyến thì có giá 169-199 Euro.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận