Rất nhiều học sinh tham gia giao thông bằng xe điện nhưng không đội MBH, dàn hàng ha, hàng ba gây nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: K.Linh |
Đây là kết quả nghiên cứu được công bố tại buổi Lễ ký kết hợp tác lần thứ 3 giữa Uỷ ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) về ATGT năm 2017.
Theo PGS.TS Chu Công Minh, Đại học Bách khoa TP.HCM, năm 2016 tại Hà Nội, cứ 100.000 học sinh bị TNGT thì có tới 7 em thiệt mạng. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của một số nước trong khu vực châu Á (gấp 1,25 lần Campuchia; 2,73 lần Nhật Bản; 1,84 lần Hàn Quốc).
Đáng chú ý, nếu như phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường, học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện với tỉ lệ lên tới 52%. Sự thay đổi này đã khiến học sinh THPT chiếm tới 90% các vụ TNGT của trẻ em.
Cũng trong khảo sát này, 33% học sinh đi bộ trả lời chưa được học cách đi bộ an toàn; 27% học sinh sử dụng phương tiện cho biết chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách vì các chủ đề này chưa có trong giáo dục an toàn giao thông tại trường học.
Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp trong đảm bảo ATGT cho học sinh THPT như: đề xuất thực hiện sửa đổi các văn bản, quy chuẩn và tiêu chuẩn để tạo cơ sở pháp lý cho công tác đảm bảo ATGT cho học sinh; đề xuất cải thiện các công trình và tổ chức giao thông khu vực xung quanh trường học để tăng sự an toàn cho học sinh khi tới trường; triển khai các chương trình phổ biến kiến thức và thực hành kỹ năng điều khiển phương tiện cho học sinh; kiến nghị Bộ GTVT giao Cục Đăng kiểm VN siết chặt quản lý phương tiện xe máy điện, xe đạp điện.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm 2017, tình hình TNGT cơ bản đã đạt mục tiêu giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương, song theo nghiên cứu, số trẻ em thương vong do TNGT trong 10 năm trở lại đây lại không hề giảm mà có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, nguyên nhân chính là do trẻ em ở lứa tuổi học sinh chưa có nhận thức đầy đủ về ATGT, mức độ quan tâm đến sự an toàn của trẻ khi đi trên đường từ gia đình đến cộng đồng chưa được đặt ra một cách đúng nghĩa.
“Trước thực trạng này, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề xuất lấy năm 2018 là “Năm ATGT cho trẻ em”, lấy trẻ em làm trung tâm bảo vệ và tuyên truyền kiến thức về ATGT, TNGT, từ đó tạo ra sức lan tỏa đến từng người thân cùng cộng đồng xung quanh các em, để vấn nạn giao thông phải được ý thức đến tế bào nhỏ của xã hội, quyết tâm năm 2018 thực hiện được mục tiêu giảm 10% thương vong do TNGT liên quan đến trẻ em”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, thực tế cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em thiệt mạng vì TNGT. Đó là chưa kể đến con số trẻ em bị đuối nước cũng lên đến hàng nghìn trường hợp. Vì vậy, nhà trường và các ngành chức năng cần nhìn nhận lại và dành cho các em học sinh sự quan tâm đúng mức hơn trong vấn đề ATGT qua các hoạt động tuyên truyền hoặc những chương trình giảng dạy về ATGT một cách có hệ thống; thường xuyên mở các lớp đào tạo ngắn hạn về điều khiển phương tiện như xe đạp điện, xe máy điện để các em có đầy đủ kĩ năng xử lý tình huống và tham gia giao thông có ý thức.
"Trong đó, gia đình phải đóng vai trò nền tảng, cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cái, phải luôn nhắc nhở, hướng dẫn các em đội MBH, đi đúng làn, không tụ tập dàn hàng hai, hàng ba gây cản trở giao thông, không phóng nhanh, vượt ẩu, nô đùa khi lưu thông trên đường để bảo vệ chính mình và sự an toàn của những người xung quanh", ông Thạch cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận