Chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương và của nhân dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã có bước đột phá quan trọng.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) Nguyễn Đức Hà khẳng định, cuộc đấu tranh PCTNTC không chỉ nhằm làm trong sạch đội ngũ, bảo vệ Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên nhiều mặt.
Tuy nhiên, hiện nay còn có ý kiến cho rằng việc chúng ta quyết liệt, đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực đã gây tâm lý sợ sai, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, qua đó tác động, ảnh hưởng xấu và làm giảm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Tôi cho rằng điều đó hoàn toàn không đúng. Đấu tranh PCTNTC là một trong những điều kiện quan trọng, tiên quyết để bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong các quan hệ xã hội. Ngăn chặn mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực là nhằm xây dựng hệ thống chính trị hiệu lực, công bằng và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và thực hiện các chức năng xã hội tốt hơn", ông Hà nói.
Dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, chúng ta đã có những có con số rất ấn tượng về phát triển kinh tế, tăng trưởng nhiều năm ở mức 6-7%. Đặc biệt, năm 2020, đại đa số nước trên thế giới tăng trưởng âm thì chúng ta vẫn tăng trưởng dương với 2,9%.
"Quá trình PCTNTC cũng giúp chúng ta cũng nhận ra trong cơ chế, chính sách có chỗ nào chưa hợp lý để từ đó tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Thông qua cuộc đấu tranh PCTNTC, chúng ta đã thu lại số tiền của không hề nhỏ, đó là một nguồn lực để chúng ta tái đầu tư, góp phần vào sự phát triển đi lên của đất nước", ông Hà nói.
Đi đôi với việc chống tiêu cực, tham nhũng chúng ta còn có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung của dân tộc, nhân dân.
"Cụ thể bằng việc, ngày 22/9/2023 vừa qua, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận số 14 về việc khuyến khích và bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, đẩy mạnh đấu tranh PCTNTC và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm", ông Hà nói.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, chống tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật không thể làm co lại mà chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển, giảm các thủ tục hành chính, chống tình trạng lót tay, bôi trơn, doanh nghiệp "sân sau", từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
"Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho biết, Việt Nam là một trong số sáu quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội, với 42 điểm, tăng chín điểm kể từ năm 2018. Đi cùng với con số này là vốn đầu tư nước ngoài FDI những năm qua của chúng ta liên tục tăng trưởng mạnh.
Điều này chỉ ra rằng công cuộc PCTNTC của Đảng và nhà nước trong những năm qua đã đạt được những thành công lớn trong việc cải cách môi trường kinh doanh, tạo lập niềm tin cho khối doanh nghiệp tư nhân cũng như các doanh nghiệp FDI đầu tư và sản xuất ở thị trường Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội", ông Tiến nói.
Minh chứng cụ thể cho điều này là gần đây các cơ quan hữu quan đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Ông Lê Như Tiến cho biết, cùng với điều tra, xét xử truy tố những vụ án về tham nhũng và chức vụ để tạo sự răn đe thì công tác thu hồi tài sản từ những vụ án này những năm qua cũng có chuyển biến tích cực.
"Thu hồi tài sản của những vụ án tham nhũng qua các năm đều tăng. Cụ thể năm 2023, có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022. Đây là con số rất đáng mừng, ngân sách Nhà nước được bổ sung một khoản không nhỏ, từ đó có nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội", ông Tiến nói.
Ông Lê Như Tiến khẳng định, càng đẩy mạnh đấu tranh PCTNTC, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận