Mở rộng nhà ga, nâng công suất đáp ứng 800 hành khách/giờ cao điểm
Theo ông Đỗ Tất Bình - Phó Tổng giám đốc ACV, nhà ga hành khách hiện hữu tại Côn Đảo có công suất thiết kế 400.000 khách/năm. Sân đỗ máy bay hiện hữu gồm 4 vị trí đỗ máy bay ATR72 hoặc tương đương.
Côn Đảo hiện là sân bay cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO. Nhà ga hành khách đưa vào khai thác năm 2005 với công suất thiết kế 400 ngàn khách/năm.
6 tháng đầu năm 2022 sản lượng hành khách khai thác tại CHK Côn Đảo đạt hơn 517 nghìn hành khách. Dự kiến hết năm 2022, Cảng này sẽ đón 1 triệu hành khách.
“Hiện tại, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không VN làm chủ đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh (CHC), đường lăn CHK Côn Đảo. Dự kiến dự án sẽ được Cục Hàng không VN khởi công trong tháng 6/2023 và hoàn thành tháng 12/2024”, ông Bình nói và cho biết: Song song với quá trình thi công đường CHC và đường lăn, sân bay sẽ phải đóng cửa CHK Côn Đảo. Do vậy, việc phối hợp triển khai dự án xây dựng sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ khác trong cùng thời điểm với dự án “Cải tạo, nâng cấp đường CHC, đường lăn CHK Côn Đảo” để đảm bảo đồng bộ khi đưa vào khai thác là cần thiết.
Theo Quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1533/2021, công suất khai thác Cảng hàng không Côn Đảo đạt 2 triệu HK/năm vào năm 2030.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo ACV, sở dĩ sân bay Đảo đạt được sản lượng nêu trên là do việc phân bổ slot đều hơn làm tăng số giờ cao điểm.
“Hành khách thông qua CHK Côn Đảo chủ yếu là du khách tâm linh trong nước nên việc đòi hỏi về nhu cầu phục vụ của nhà ga hàng không là không cao.
Tâm lý hành khách là mong muốn nhanh chóng được rời nhà ga càng sớm càng tốt để đến nơi du lịch (với khách đến) hoặc rời Côn Đảo (với khách đi). Khoảng cách di chuyển từ Cảng hàng không Côn Đảo về trung tâm huyện tương đối ngắn (khoảng 13km), giao thông thuận tiện nên hành khách không cần có mặt sớm tại nhà ga”, ông Bình nói và cho biết: Với thực tế nêu trên, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư hạn chế, cần thiết nghiên cứu một giải pháp tận dụng hạ tầng hiện có để tiết kiệm nguồn vốn đầu tư nhưng vẫn ứng đáp nhu cầu khai thác.
Từ đây, ACV đề xuất phương án mở rộng nhà ga hiện hữu nâng tổng diện tích lên khoảng 6.340m2 và bố trí dây chuyền hàng không đáp ứng công suất 800 hành khách/giờ cao điểm (có thể khai thác lên 2 triệu hành khách/năm đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2030).
Cho rằng với việc phân bổ slot đều hơn, được bố trí đèn đêm nên số giờ cao điểm nhiều hơn thì việc khai thác 2 triệu hành khách/năm tại Côn Đảo là hoàn toàn khả thi, ông Bình cũng tiết lộ: Nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất có diện tích hơn 40.000 m2 nhưng đã khai thác tới 27 triệu khách/năm).
“Khi sản lượng hành khách tăng cao sẽ đầu tư nhà ga mới theo quy hoạch và chuyển đổi tận dụng nhà ga hiện hữu làm ga hàng hóa”, ông Bình nhấn mạnh.
Đối với sân đỗ máy bay, lãnh đạo ACV cho rằng cần thiết phân kỳ xây dựng sân đỗ máy bay thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 xây dựng 5 vị trí đỗ cho máy bay Code C tại khu vực số 2 (khu vực giữa). Đồng thời, hiện nay sân đỗ máy bay hiện hữu đang khai thác ổn định với các loại máy bay ATR72 và Embraer 195. Do đó, sẽ sử dụng sân đỗ máy bay hiện hữu làm phương án dự phòng đỗ máy bay ATR72 khi nhu cầu thực tế cần thiết.
Giai đoạn 2, sau khi TCT Quản lý bay VN (VATM) di dời đài kiểm soát không lưu, đồng thời công tác giải phóng mặt bằng được hoàn tất, ACV sẽ tiếp tục mở rộng sân đỗ máy bay với quy mô phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu khai thác đến năm 2030 theo quy hoạch.
Cần hơn 380 tỷ đồng nâng cấp nhà ga, hơn 280 tỷ đồng đầu tư sân đỗ giai đoạn 1
Với phương án đề xuất nêu trên, ACV ước tính tổng mức đầu tư nhà ga hành khách dự kiến khoảng 388,7 tỷ đồng, tiến độ thực hiện trong khoảng 24 tháng tính từ khi Ủy ban QLVNN có ý kiến chấp thuận. Trong đó, sẽ cần khoảng 7 tháng để chuẩn bị đầu tư (điều chỉnh quy hoạch cục bộ, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; báo cáo đánh giá tác động môi trường; phê duyệt tổng mặt bằng, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án).
17 tháng sau đó là thời gian triển khai thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, rà phá bom mìn, đấu thầu, thi công xây dựng.
“Tiến độ thực tế phụ thuộc vào thời gian điều chỉnh quy hoạch cục bộ, thời gian đóng cửa sân bay của dự án đường cất hạ cánh”, ông Bình nói thêm.
Với dự án xây dựng sân đỗ máy bay, dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 280,4 tỷ đồng, thực hiện trong 24 tháng (9 tháng chuẩn bị và 15 tháng triển khai).
Giai đoạn 2, sẽ xây dựng thêm 3 vị trí đỗ để đạt 8 vị trí theo quy hoạch. ACV cũng dự kiến sẽ triển khai trong thời gian đến năm 2030. Chi phí đầu tư cho giai đoạn này khoảng 174,74 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận