Mấy tháng trước, một cán bộ ở cơ quan bảo vệ trẻ em tiểu bang Vaud, Thụy Sỹ (nơi tôi đang sống) đã từ chức.
Như người này chia sẻ, một phần vì làm việc quá sức, một phần vì bất đồng với những bất cập trong hệ thống.
Một trong những tác hại khác của dịch Covid-19 là sự gia tăng bạo lực gia đình và bạo hành trẻ con ở Thụy Sỹ (cũng như ở một số nước châu Âu).
Người dân chung cư Saigon Pearl (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thắp nến tưởng niệm bé gái 8 tuổi đã khuất nghi do bị "dì ghẻ" bạo hành gây xôn xao trong cộng đồng
Không khó hiểu về điều này khi việc giáo dục và chăm sóc trẻ em vốn được san sẻ với nhà trường nay đã hoàn toàn chuyển sang gia đình.
Nhất là đối với những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cánh cửa duy nhất mở ra thế giới bên ngoài cũng đã khép lại.
Trên thực tế, nhà trường thường là nơi đầu tiên phát hiện các dấu hiệu bất thường ở trẻ và khi trẻ không được đến trường, một số em nhỏ sẽ không có cơ hội chia sẻ với bạn bè, thầy cô những thứ chúng gặp phải.
Thế nhưng, ít nhất, vẫn luôn có một cơ quan bảo vệ trẻ em và nạn nhân bạo hành gia đình hoạt động tích cực, nơi mà bất kể ai, bố, mẹ, ông, bà, cô giáo, y tá trường học, chuyên gia tâm lý, hàng xóm, người qua đường, có thể gửi tín hiệu mỗi khi có nghi ngờ, dù nhỏ nhất, rằng một đứa trẻ đang sống bất an, chứ chưa nói tới nguy hiểm tới tính mạng.
Trong câu chuyện em bé 8 tuổi tử vong ngay trong chính ngôi nhà của bố đẻ ở TP.HCM và nghi phạm bạo hành là “dì ghẻ”, rất đáng tiếc không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.
Số đông giận dữ đổ lỗi cho cả hàng xóm, Ban quản lý chung cư và bảo vệ, trong khi những thông tin chính xác thì chưa được xác minh.
Không xác nhận được đã có ai phản ánh tới Ban quản lý chung cư về những tiếng khóc lóc, tiếng động lạ liên tục phát ra từ nhà cô bé hay không?
Mà nếu thật sự người ta muốn cứu giúp thì hoàn toàn có thể gọi tới 113, công an phường nếu Ban quản lý chung cư cố tình bỏ qua.
Vấn đề ở đây là đã không ai thực sự quan tâm tới điều đang xảy ra, không ngoại trừ cả những người thân của em bé. Có thể, chuyện “yêu cho roi vọt”, chuyện dạy con cái vẫn được xem là việc “riêng tư” của “nhà người ta”.
Chỉ đến khi cô bé tử vong, người ta mới thấy mình không thể vô can và chuyện đã muộn.
Nhân câu chuyện này, nhiều người mới biết ở Việt Nam có tổng đài hỗ trợ trẻ em với đầu số 111. Nhưng ngoài việc nhận cuộc gọi, tổng đài này hoạt động thế nào thì gần như thông tin vắng bóng trên truyền thông. Đến nỗi chính những người bạn tôi - những bà mẹ có con nhỏ còn không hay biết.
Mặc dù vẫn còn nhiều bất cập, nhưng hoạt động của cơ quan bảo vệ trẻ em ở Thụy Sỹ có khá nhiều điều chúng ta nên tham khảo.
Có không ít trường hợp, hàng xóm thấy bố mẹ hay cãi vã, to tiếng là đã gọi điện cho cơ quan bảo vệ trẻ em vì theo họ, lớn lên trong môi trường như vậy không tốt cho tương lai của một đứa trẻ.
Cơ quan bảo vệ trẻ em sẽ triệu tập bố mẹ lên giải trình, rồi tới nhà quan sát, lắng nghe, nói chuyện với từng thành viên.
Cơ quan bảo vệ trẻ em không phải là cảnh sát, họ sẽ tạo điều kiện cho phụ huynh hợp tác và sửa đổi trước khi phải nhờ đến sự can thiệp của luật pháp.
Nếu phụ huynh hợp tác, họ sẽ gửi các chuyên gia giáo dục tới nhà để quan sát, tư vấn cách làm cha mẹ đồng thời có hỗ trợ tâm lý và tạo các hoạt động ngoại khóa cho trẻ, nhằm cải thiện môi trường gia đình.
Nếu sự việc nghiêm trọng, họ sẽ yêu cầu tòa án can thiệp, hạn chế hoặc tước quyền làm cha mẹ.
Ở tiểu bang Vaud của Thụy Sỹ có một “mạng lưới” trong việc giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đó là sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, hệ thống chăm sóc y tế và cơ quan bảo vệ trẻ em.
Làm được một phần như thế, hẳn sẽ ít đi những em bé bị bạo hành mà không được cứu giúp, cũng không dám kể cho ai hay như cô bé 8 tuổi xấu số kia.
Với trẻ con, ai cũng nên có trách nhiệm, vì các em nhỏ đều có quyền được giúp đỡ.
Quỳnh Lê
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận