Những ngày gần đây, tình hình ùn tắc trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc HLD) rất căng thẳng, nhất là vào giờ cao điểm. Nghiêm trọng hơn, nhiều vụ TNGT xảy ra trên cầu Long Thành càng khiến ùn tắc nghiêm trọng hơn.
Điểm đen ùn tắc hai đầu cao tốc
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, ùn tắc nghiêm trọng nhất trên tuyến cao tốc HLD là tại khu vực 2 đầu tuyến. Phía TP HCM, đầu cao tốc tại nút giao An Phú (quận 2) do giao cắt với đường Mai Chí Thọ, lượng xe vào đường Đồng Văn Cống rẽ vào cảng Cát Lái đi ngang qua nút giao này rất đông nên thường xuyên xảy ra ùn ứ.
Hơn nữa, nút giao An Phú là điểm giao cắt giữa các tuyến đường có lượng phương tiện rất cao là: Mai Chí Thọ, Lương Định Của, Nguyễn Thị Định và đường dẫn lên cao tốc. Vào những ngày cuối tuần, nhất là dịp lễ, Tết, lượng xe tăng cao đột biến, phương tiện càng phải lưu thông chậm chạp và phải xếp hàng dài đi vào cao tốc.
Tương tự ở hướng ngược lại là “điểm nóng” nút giao QL51 và nhánh rẽ vào đường cao tốc hướng về TP HCM bị dòng xe trên QL51 cắt ngang. Trên tuyến khu vực cầu Long Thành từ khi đưa vào khai thác cũng được xem là nút thắt “cổ chai” vì mặt đường cao tốc 6 làn xe (trong đó có 2 làn dừng khẩn cấp), nhưng khi đến cầu Long Thành bị thu hẹp 4 làn.
Do mặt cầu bị thắt lại nên phương tiện di chuyển rất khó khăn. Đặc biệt, mỗi khi xảy ra sự cố hay tai nạn trên cầu đều gây ùn tắc nghiêm trọng trên 1 chiều của tuyến đường cao tốc.
Anh Nguyễn Văn Kiệt, (Bình Dương) kể, ngày 28/6 vừa qua xảy ra cảnh ùn tắc kinh hoàng trên tuyến cao tốc này. Hôm đó, cả gia đình anh đi du lịch Vũng Tàu, khi xe đến gần Trạm thu phí Long Phước bị ùn lại. Nguyên nhân do trên cầu Long Thành xảy ra một vụ va chạm giao thông. Các phương tiện phải xếp hàng dài cả cây số. Nhiều tài xế phải ra ngoài đứng ngồi la liệt trên mặt đường cao tốc.
“Đi từ 9h sáng nhưng phải mất gần 5 tiếng sau mới thoát ra được nút giao cao tốc với QL51. Lần đầu tôi chứng kiến cảnh kẹt xe nghiêm trọng như vậy. Đi cao tốc mà chậm hơn cả quốc lộ”, anh Kiệt than.
Là người thường xuyên đi trên tuyến cao tốc này, anh Nguyễn Văn Tài (quận 9, TP HCM) cho biết, bình thường đi trên đoạn đường cao tốc vào giờ thấp điểm chỉ mất khoảng 12-15 phút. Thế nhưng, vào khung giờ từ 16h - 18h, lượng xe tăng cao, đặc biệt vào ngày cuối tuần, phải mất khoảng 30 phút mới rẽ ra khỏi cao tốc đi QL51.
Nhiều tài xế cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc trên tuyến cao tốc HLD là do quá ít người sử dụng thẻ thu phí tự động. Các phương tiện mỗi khi lưu thông qua trạm thu phí trả phí mất nhiều thời gian hơn, càng khiến tình trạng ùn tắc thêm nghiêm trọng hơn.
Đề xuất mở rộng đường cao tốc lên 12 làn xe
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP HCM cho rằng, tình trạng quá tải trên cao tốc HLD do dự báo chưa sát. Khi có dự báo tốt, mới có thiết kế toàn tuyến cho phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Trường, việc mở rộng thêm làn xe khó có thể triển khai ngay trong một sớm một chiều vì phụ thuộc vào nguồn vốn. Trong khi đó, nguồn vốn Nhà nước hạn hẹp nên việc mở rộng cần tính toán kỹ lưỡng.
Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai thừa nhận, tuyến cao tốc Long Thành thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Đặc biệt, tại nút giao QL51 là một trong những “điểm nóng” ùn tắc cần sớm được khắc phục.
Trong tương lai, tuyến cao tốc Long Thành vẫn là tuyến đường huyết mạch kết nối vào sân bay Long Thành. “Tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm mở rộng cao tốc Long Thành lên 10-12 làn xe, ưu tiên đoạn từ TP HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để đảm bảo lưu lượng xe tăng cao khi sân bay đi vào hoạt động”, ông Liêm cho hay.
Đánh giá về tình hình ùn tắc trên tuyến cao tốc này, đại diện Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết, trong 3 tháng đầu năm xảy ra 22 vụ ùn ứ giao thông, trong đó có 16 vụ xảy ra trên đoạn hướng Đồng Nai - TP HCM. Tình trạng ùn tắc bắt đầu xảy ra từ dịp hè 2018 và ngày càng có xu hướng nghiêm trọng hơn.
Mỗi khi xảy ra tai nạn hoặc va chạm nặng trên cầu Long Thành, VEC E phải nhiều lần đóng đầu vào để giải quyết ùn ứ giao thông. “Ngoài ra, các phương tiện có tải trọng lớn di chuyển qua khu vực Trạm thu phí Long Phước và cầu Long Thành thường chỉ đi với tốc độ chậm do cầu Long Thành có độ dốc dọc cao. Hơn nữa, vị trí Trạm thu phí Long Phước lại nằm ngay tại chân cầu Long Thành nên ảnh hưởng lớn đến việc di chuyển của phương tiện”, đại diện VEC E lý giải.
Ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc VEC E cho biết, năm 2015 VEC E ghi nhận chỉ gần 10 triệu lượt phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, năm 2018, con số này đã tăng lên gần 15 triệu lượt. “Khi xảy ra ùn tắc giao thông vào các khung giờ cao điểm, chúng tôi đã khuyến cáo tài xế chọn lộ trình phù hợp nhằm giảm tải cho cao tốc Long Thành. Nhiều ý kiến đề xuất cần mở rộng thêm làn đường tuyến cao tốc này”, ông Tân cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận