Một trạm sạc pin cho xe điện tại Ấn Độ |
Ấn Độ đang có những bước đi nghiêm túc nhằm bảo vệ môi trường, ngăn chặn những tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu. Một trong những chính sách đó là thúc đẩy sự phát triển của xe điện, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng cho dòng phương tiện xanh này.
Mục tiêu tham vọng nhưng khả năng còn hạn chế
Chính phủ Ấn Độ đã từng nhiều lần thể hiện quan điểm mạnh mẽ trong việc chống biến đổi khí hậu.Vì vậy, quốc gia châu Á này đã đề ra một mục tiêu đầy tham vọng, đó là giảm lượng khí thải ra và hạn chế nhập khẩu nhiên liệu. Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Piyush Goyal Cho đã tuyên bố, đến năm 2030, tất cả các ô tô của nước này đều sẽ là xe điện.
“Vào năm đó, sẽ không còn một chiếc xe chạy xăng hoặc dầu diesel nào được bán ở đất nước của chúng ta nữa”, ông Piyush Goyal Cho phát biểu tại cuộc họp của Liên minh Công nghiệp Ấn Độ.
Theo ông Piyush Goyal Cho, ngành công nghiệp ô tô điện cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong 2 - 3 năm tới nhưng vị bộ trưởng này cũng kỳ vọng, sau này, nhu cầu mua xe điện sẽ là động lực để thúc đẩy hoạt động sản xuất chứ không phải trào lưu để nhận trợ cấp.
“Khi đó, toàn bộ chi phí mua xe điện đều do người mua chi trả. Chúng tôi rất mong muốn được thấy ngành xe điện tự vận hành”, vị Bộ trưởng cho biết. Cũng theo ông, đầu tiên, chương trình ô tô điện sẽ nhắm tới những trung tâm lớn nơi ô nhiễm ở mức cao nhất, chẳng hạn như Delhi.
Tuy nhiên, mục tiêu này xem ra không khả quan, cho đến nay, khi New Delhi phải đưa ra kế hoạch mới, đó là đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm 30% trong tổng số xe hơi tại quốc gia này, đối với nhiều nhà sản xuất ô tô tại Ấn Độ, đây vẫn là một kế hoạch quá tham vọng.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp trong nước nói rằng, họ không đầu tư vào sản xuất xe điện chính là bởi quốc gia vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng cho dòng xe xanh, cụ thể là việc phát triển mạng lưới các điểm sạc pin vẫn chưa được đẩy mạnh Ấn Độ.
Tính đến thời điểm hiện tại, nước này mới có khoảng 350 điểm sạc pin. So với Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu về lượng tiêu thụ xe điện, đã có khoảng 215 nghìn điểm được lắp đặt tính đến cuối năm 2016, thì khoảng cách vẫn còn rất xa.
Ô tô điện tại Ấn Độ |
Những thay đổi mang tính bước ngoặt
Trong bối cảnh này, những dự thảo chính sách của Chính phủ Ấn Độ về xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe điện được coi là một thay đổi khá bất ngờ nhưng vô cùng cần thiết.
Cụ thể, dự thảo đề xuất chi phí mỗi người phải trả tại các trạm sạc không nên cao hơn 15% giá điện trung bình. Đây được coi là cả một nỗ lực đối với quốc gia mà vấn đề điện khí hóa toàn quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Chính phủ Ấn Độ vẫn đang tiếp tục theo đuổi chính sách cải cách thị trường điện trong nước nhằm giải quyết những khó khăn kinh niên về thiếu đầu tư và chất lượng dịch vụ kém.
Trong dự thảo, việc mở các trạm sạc sẽ không cần giấy phép. Bất cứ ai có được địa điểm đủ rộng, có nguồn điện ổn định và đưa ra một mức giá phù hợp, đều có tự mở một trạm sạc công cộng cho xe điện.
Trước đó, nhóm cố vấn của Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất giảm các mức thuế và lãi suất đối với khoản vay mua ô tô điện, đồng thời hạn chế bán các loại xe chạy xăng và dầu diesel.
Dự thảo cũng khuyến nghị Chính phủ Ấn Độ mở một nhà máy pin vào cuối năm 2018 và dùng nguồn thu thuế từ doanh số bán xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống để xây dựng các trạm sạc cho xe điện. Những đề xuất nêu trên nhằm mục tiêu “điện hóa” tất cả phương tiện đi lại ở nước này vào năm 2032.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận