Nhiều sân bay Ấn Độ không đủ chỗ cho máy bay đậu và hạ cánh |
Ấn Độ - một trong những thị trường hàng không quan trọng, phát triển nhanh nhất thế giới đang vấp phải vấn đề thiếu chỗ đỗ/đáp máy bay thương mại, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng dịch vụ.
Mua hàng chục máy bay nhưng lo không có chỗ đỗ
Trong năm 2015, thị trường hàng không Ấn Độ đã tăng trưởng 20%, cao hơn so với 10% tại Trung Quốc và 5% tại Mỹ. Tiềm năng phát triển mạnh mẽ khiến các hãng hàng không đua nhau mua máy bay. Cuối tuần trước tại Triển lãm hàng không Farnborough (Anh), Hãng hàng không giá rẻ Go Air của Ấn Độ đã ký hợp đồng mua 72 máy bay A320neos của hãng Airbus (Pháp) với giá niêm yết 7,7 tỉ USD. Ngoài ra, hãng SpiceJet cũng đang trong quá trình đàm phán mua 150 tàu bay; IndiGo - hãng hàng không giá rẻ hàng đầu của Ấn Độ đã mua 430 máy bay thân hẹp của Airbus, trong đó có 108 máy bay đã được đưa vào phục vụ. Mạnh tay sắm máy bay là một chuyện, ngành Hàng không Ấn Độ còn phải đối mặt thử thách - lo chỗ đỗ và cất, hạ cánh.
Hiện, hạ tầng hàng không Ấn Độ không bắt kịp xu hướng phát triển gây ra cảnh tắc nghẽn tại sân bay. Thời gian trung bình một máy bay phải bay vòng để nhường máy bay khác đáp trước tại Mumbai trong thời gian đỉnh điểm lên tới 45-60 phút. Con số này cao gấp nhiều lần so với trung bình 25 phút tại Singapore và 0 phút tại Qatar, Cơ quan Tư vấn hàng không Martin Consulting LLC, trụ sở tại Dubai cho biết.
Tắc nghẽn sân bay đẩy các hãng hàng không rơi vào tình trạng chậm chuyến. Theo dữ liệu từ Cục Hàng không dân dụng, không có hãng hàng không nào của Ấn Độ trừ hãng AirAsia Bhd. có thể đạt mục tiêu 90% chuyến bay đúng giờ. Điển hình, một giám đốc điều hành sân bay quốc tế Mumbai giấu tên cho biết, vì thiếu chỗ đáp nên sân bay Mumbai gần như không thể cung cấp thêm slot (giờ cất, hạ cánh) mới, mà chỉ điều phối giờ cất, hạ cánh tăng cường cho các chuyến bay đêm.
Một số hãng hàng không buộc phải nghĩ ra những "chiêu độc" để đối phó với tình trạng tắc nghẽn sân bay. Người này cho biết, ít nhất 1 hãng hàng không phải sử dụng máy bay thân rộng, chuyên phục vụ các tuyến bay tầm trung vào phục vụ chuyến bay nội địa từ Delhi-Mumbai (khoảng cách 1.384 km) để bớt số chuyến và tăng cường hiệu suất, đối phó với tình trạng tắc nghẽn sân bay.
Nới quy định, hút đầu tư sân bay
Ông Sanjiv Kapoor, Giám đốc điều hành thương mại Vistara - công ty chi nhánh của hãng hàng không Singapore Airlines cho biết: Hạ tầng hàng không đang là "vấn đề khổng lồ" đặt ra cho Ấn Độ. "Mumbai và New Delhi không thể trở thành thủ đô chính trị, thủ đô thương mại khi ngay cả sân bay cũng không đáp ứng đủ chỗ để đỗ/ hạ cánh", ông Sanjiv Kapoor nhận định. Tréo ngoe ở chỗ, thống kê của Chính phủ cho thấy, trong số 450 sân bay của nước này, chỉ có 75 sân bay phục vụ các hãng hàng không thương mại và luôn trong tình trạng chật cứng. Trong khi, số còn lại là sân bay nhàn rỗi và hiếm khi được sử dụng vì nhu cầu thấp.
Mặc dù 10 năm qua Ấn Độ đã đầu tư hàng tỉ USD nâng cấp sân bay. Song, trong 15 năm tới, ước tính, cần thêm 40 tỉ USD để tăng cường hạ tầng sân bay - Trung tâm Hàng không CAPA có trụ sở tại Sydney ước tính. Ông Mark D. Martin, người sáng lập công ty tư vấn Martin Consulting cho rằng: Các nước như Ấn Độ cần phải "đảm bảo xây dựng hệ thống sân bay không chỉ để chứa máy bay lớn mà còn cả máy bay nhỏ, máy bay chỉ có 5-10 ghế" để đáp ứng nhu cầu hàng không.
Do đó, để thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, tháng 6 vừa rồi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quyết định nới lỏng các quy định đầu tư. Theo đó, Chính phủ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vào các dự án sân bay mới và đầu tư 74% vào các dự án cải thiện sân bay hiện tại mà không cần thông qua sự đồng ý của Chính phủ. Chỉ các dự án đầu tư trên 74% vào các sân bay hiện tại mới cần thông qua Chính phủ.
Đồng thời, Thủ tướng Modi hứa hẹn đưa ra mức thuế ưu đãi đối với các công ty cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo trì, đại tu (MOR) tại sân bay. Cùng lúc, ông Modi đề nghị cho đáp và đỗ máy bay miễn phí tại các sân bay nhàn rỗi để thu hút các hãng hàng không tới đây, nhằm làm sống lại các sân bay nhàn rỗi nhằm san sẻ áp lực cho các sân bay trung tâm và tăng cường kết nối trong khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận