Nội dung bị hủy bỏ là chỉ đạo trước đó của ông Trần Anh Thư, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Cụ thể là: "Đối với các homestay xây dựng tự phát, trước mắt giao UBND huyện Tịnh Biên (nay là thị xã Tịnh Biên) quản lý. Yêu cầu các chủ homestay giữ nguyên hiện trạng. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phát sinh xây cất mới không đảm bảo quy định".
Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho biết, các sở, ban, ngành đã thống nhất phương án tháo dỡ các homestay xây không phép trên Núi Cấm.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tình trạng xây dựng homestay trái phép trên Núi Cấm nở rộ từ năm ngoái. Mỗi tháng, các cơ sở này tổ chức lưu trú cho hàng nghìn lượt khách. Khi phát hiện, chính quyền địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính, song những cơ sở lưu trú này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Cuối năm 2022, ông Trần Anh Thư, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang quyết định cho các công trình này tồn tại với điều kiện giữ nguyên hiện trạng và giao thị xã Tịnh Biên quản lý, lập quy hoạch. Do đó, khi bị chính quyền địa phương yêu cầu dừng hoạt động và đề xuất buộc tháo dỡ, chủ các homestay đã phản đối vì cho rằng chủ trương của địa phương không nhất quán.
Theo ước tính của Ban Quản lý Khu du lịch Núi Cấm, mỗi tháng các homestay này phục vụ khoảng 7.000 lượt người, cao điểm du khách phải đặt trước vài tháng mới có chỗ. Giá lưu trú mỗi đêm 300.000-500.000 đồng/người.
Khu du lịch Núi Cấm được phê duyệt diện tích trên 1.000ha, có 9 phân khu chức năng: khu cáp treo và lâm viên Núi Cấm rộng hơn 50ha; khu du lịch Hồ Tà Lọt 120ha và khu du lịch núi Cấm hơn 850ha.
Địa phương cũng thống kê có gần 600 hộ dân cất nhà trên đất rừng. Đây là những người dân sinh sống lâu năm trên núi, không có giấy tờ; 78 cơ sở thờ tự trái phép.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận