Xã hội

An Giang: Sạt lở ven sông Hậu gần QL 91, 11 hộ dân di dời khẩn cấp

06/07/2020, 18:05

Bờ sông Hậu đoạn qua An Giang lại xảy ra sạt lở khiến 11 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

img
Ngành chức năng hỗ trợ người dân tháo dời kiến trúc nhà cửa thực hiện di dời

Ngày 6/7, UBND xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã có báo cáo nhanh về vụ sạt lở bờ sông Hậu xảy ra vào sáng cùng ngày khiến 11 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Cụ thể, vào thời điểm trên, ven sông Hậu, đoạn thuộc địa bàn ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung tiếp tục bị sụp lún, sạt lở xuống sông. Đoạn sạt lở có dấu hiệu tiếp tục mở rộng ra chiều dài khoảng 90m, ăn sâu vào bờ từ 3-7m, sụt lúng xuống sông khoảng 30cm so với hiện trạng ban đầu.

Theo UBND xã Vĩnh Thạnh Trung, qua khảo sát, trong phạm vi 250m xung quanh điểm sạt lở và 80m tính từ QL 91 xuống bờ sông Hậu, có 53 căn nhà dân, trong đó có 11 căn nằm trong khu vực vừa sạt lở, 13 nhà nằm cặp vết răn nứt có nguy cơ bị ảnh hưởng, 29 căn nằm ngoài phạm vi 20m cách điểm sạt lở.

Đối với 11 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, ngành chức năng đã thực hiện di dời về nơi ở tạm để đảm bảo an toàn.

“UBND xã Vĩnh Thạnh Trung đề xuất UBND huyện xem xét bố trí cho 11 hộ nằm trong khu vực dang bị sạt lở bờ sông Hậu vào các khu cụm tuyến dân cư để ổn định chỗ ở”, báo cáo UBND xã Vĩnh Thạnh Trung nêu.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ sụt lún sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch. Trong đó, huyện An Phú có 3 điểm với tổng chiều dài 48m, ảnh hưởng 1 nhà dân; huyện Tân Châu có 2 điểm, chiều dài 50m, ảnh hưởng 10 nhà dân; huyện Chợ Mới có 2 điểm với chiều dài 65m, ảnh hưởng 2 căn nhà; huyện Châu Phú có 3 điểm trên sông Hậu tại đoạn Ql 91 thuộc ấp Bình Tân xã Bình Mỹ, sạt lở tiếp diễn vị trí lở QL91 vừa qua, 1 điểm trên sông Hậu tại xã Bình Thủy, 1 điểm trên Kênh Vịnh Tre tại xã Mỹ Phú, 1 điểm trên bờ đông Kênh 2 tại xã Mỹ Phú, với tổng chiều dài 227m, ảnh hưởng 31 căn nhà; TP Long Xuyên có 2 điểm với tổng chiều dài 130m, ảnh hưởng 29 căn nhà.

Đặc biệt, từ tháng 5 đến nay, đã xuất hiện 10 điểm sạt lở với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, diễn biến sạt lở phức tạp hơn như vụ sạt lở tại xã Bình Mỹ huyện Châu Phú, rạch Cái Sắn, rạch Cái Sao (TP Long Xuyên).

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, quan sát thực tế cho thấy nguyên nhân sạt lở được đánh giá chủ yếu là do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mêkong gây thiếu bùn cát bồi lắng, yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo.

Trong khi đó, tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL là vùng đất trẻ, nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh; sự tác động của sông nước, biên độ chênh lệch của đỉnh triều, chân triều và nhiều dòng sông giao nhau làm cho dòng chảy không bình thường, tạo ra dòng chảy xoáy.

Ngoài ra, tác động của việc khai thác cát, hoạt động xây dựng, vận tải 2 bên bờ sông của người dân. Hay tình hình dân cư phát triển nhanh, tăng mật độ xây dựng nhà ở bê tông kiên cố, xây dựng công trình kho bãi nhà máy, công trình giao thông, chất tải gần bờ sông làm tăng tải trọng vượt khả năng chịu tải của bờ sông... cũng là những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.