Rượu ngô bao tử hay rượu hóa chất?
Thời gian gần đây, các quán nhậu vỉa hè rộ lên loại “đặc sản” mang tên “rượu ngô bao tử” hay còn gọi là “ngô non” hoặc “ngô vàng”. Theo đó, cảm quan bề ngoài của loại rượu này khá bắt mắt với màu vàng óng, thơm nồng mùi ngô. Trên các trang mạng, người buôn kẻ bán quảng cáo rầm rộ: “Rượu ngô bao tử Bắc Hà free ship nội thành Hà Nội” hay “Rượu ngô bao tử thơm ngào ngạt, nguyên chất 100%; ủ bằng men lá, bao phê, không đau đầu, không háo nước.” hay “Rượu ngô bao tử Hà Giang nhà em vẫn tràn trề đủ phục vụ anh em”.
Người dân rất khó để nhận biết ngộ độc methanol. Trong chai rượu mua về uống có thể bị pha lẫn cả ethanol và methanol nó làm chậm quá trình ngộ độc hơn. Bất chấp tất cả, vì lợi nhuận, các sản phẩm rượu trôi nổi thường được pha thêm dung môi như véc ni, thuốc bảo vệ thực vật, cồn sát trùng chứa methanol… Tất cả những yếu tố này đều tăng nguy cơ gây ngộ độc cấp cho người dùng. Khi có biểu hiện ngộ độc sau 1-2 ngày dù có được đưa đến viện cấp cứu thì thường cũng đã quá muộn.
Ths. Bs. Nguyễn Trung Nguyên
Phó giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
Tuy nhiên, chia sẻ với PV Báo Giao thông, chính người dân tộc vùng cao Tây Bắc cũng không hề biết tới loại rượu này. Anh Phàn Họ, người dân tộc Tày, sống tại Hà Giang cho biết: “Vùng cao mỗi năm chỉ cho thu hoạch một vụ ngô. Để nấu rượu ngô chuẩn người bản địa phải chọn bắp ngô già, cho nhiều tinh bột, dễ lên men, rượu đạt năng suất, chất lượng cao. Trong khi nấu rượu ngô sữa (ngô bao tử) không tạo được năng suất, rất ít người nấu, nếu có chỉ là rượu thửa, được nấu phục vụ trong gia đình hoặc làm quà biếu, không bán ra bên ngoài. Hơn nữa rượu ngô sữa có màu vàng nhờ nhờ, hơi đục chứ không vàng óng như người ta bán đâu”.
Anh Giàng A Sủng, tổ 2 thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang khẳng định: “Nhà tôi có truyền thống nấu rượu ngô được vài chục năm rồi, tôi sinh ra đã biết tới rượu ngô vùng cao. Nhưng hôm nay, tôi mới biết tới rượu ngô bao tử. Tôi xin khẳng định, không thể nấu được rượu ngô bao tử, cái rượu màu vàng người ta bán là rượu đểu, rượu hóa chất, bán rất nhiều ở chợ vùng biên quê tôi”.
Chị L.T.Q, một người buôn sản vật Tây Bắc tại huyện Bắc Hà, TP Lào Cai tiết lộ, cách “chế” rượu ngô bao tử bán ngoài thị trường rất đơn giản. “Người ta nhập rượu từ Trung Quốc, sau đó sử dụng hóa chất tạo màu vàng cho rượu, pha thêm hương liệu sử dụng cho kẹo ngô. Vậy là có rượu ngô bao tử”, chị Q. nói. Theo ghi nhận của PV tại đường tiểu ngạch Y Tý (Lào Cai), rượu ngô bao tử không tem nhãn, xuất xứ được nhập với giá siêu rẻ chỉ từ 12-17 nghìn đồng/lít. Qua cửa khẩu vào địa phận Việt Nam, loại rượu này được đổ buôn với giá từ 20-28 nghìn đồng/lít. Rượu được đóng thành từng can 20 lít.
“Chủ buôn thường vận chuyển hàng về xuôi bằng xe khách, xe ô tô gia đình, hoặc thuê xe du lịch 16 chỗ để ngụy trang, tránh các chốt kiểm tra dọc đường. Rượu chủ yếu giao xuống Hà Nội cho khách bán, rồi chuyển vào miền trong, dân người ta nhậu nhiều”, chị Q. cho hay.
Đội giá lên 150-160%
Trong vai khách hàng, PV Báo Giao thông tiếp cận với một số chủ đầu mối buôn rượu ngô bao tử. Theo đó, giá bán khá chênh lệch từ 50-80 nghìn đồng/lít tùy nồng độ rượu. Điều này cũng có nghĩa khi được chuyển về thành phố, loại rượu “đặc sản” đã được đội giá lên 150-160%. Khi PV ngỏ ý muốn được “ghé thăm” kho hàng, hầu hết chủ đều nhất mực từ chối “Nếu ở Hà Nội, cứ cho địa chỉ, sẽ cho ship tận nơi, với điều kiện phải mua ít nhất can 10-20 lít trở lên”, một chủ buôn cho biết.
Tuy nhiên, bằng mối quen giới thiệu, chúng tôi cũng lần ra được một cơ sở bán rượu ngô bao tử trên phố Đê La Thành (Q. Đống Đa, Hà Nội). Theo đó, rượu được đựng trong can 20 lít, cả rượu ngô bao tử và rượu ngô tím chất chồng lên nhau. Bên ngoài sản phẩm được dán mác rất chung chung “Đặc sản rượu ngô bao tử Hà Giang”, không hề có cơ sở sản xuất cũng như chứng nhận sản phẩm của cơ quan chức năng. “Mỗi chuyến anh nhập về không dưới nghìn lít. Hàng mới buôn nên khách mua chủ yếu qua mạng. Không những có màu vàng đẹp, uống lại ngon, loại rượu này chủ yếu được đổ buôn vào các quán nhậu tại Sài Gòn, Biên Hòa, Sầm Sơn, Củ Chi…”, vị chủ này cho hay.
Trước thông tin những loại rượu không rõ nguồn gốc được bán trên thị trường cận Tết, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhận định: “Số vụ ngộ độc rượu thường tăng cao dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và những ngày lễ hội mừng xuân. Ngoài tình trạng ngộ độc thường gặp ở 2 loại rượu ethanol và methanol thì ngộ độc rượu ngâm các loại cây (không rõ loại) có chứa độc tố tự nhiên đang gây ra nguy hiểm khôn lường cho người dùng”.
Để hạn chế nguy cơ ngộ độc rượu vào dịp lễ Tết, Cục An toàn thực phẩm đang đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra xử lý các loại rượu không nhãn mác, gian lận thương mại. “Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo cộng đồng không lạm dụng rượu bia trong ngày Tết, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính; không uống cồn công nghiệp; không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu không công bố chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt, đang uống thuốc điều trị…”, ông Phong nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận