Vì lợi nhuận, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng quá nóng dẫn đến nợ xấu - Ảnh: Tạ Tôn |
Bên cạnh những tên tuổi như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, MB..., danh sách lợi nhuận vài nghìn tỷ đồng 9 tháng đầu năm đã xuất hiện trở lại một số cái tên như VPBank, Techcombank, ACB, Liên Việt...
Kết quả kinh doanh khả quan của hàng loạt ngân hàng không chỉ mang lại niềm vui cho các cổ đông, cán bộ nhân viên ngành này, mà còn mang đến kỳ vọng, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục trở lại. Một trong những tín hiệu đó là tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh trở lại, đóng góp phần lớn vào lợi nhuận của nhiều đơn vị. Mặt khác cho thấy, DN đã đặt niềm tin, có kế hoạch và bắt tay trở lại, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận ngân hàng cũng còn đó những dấu hỏi nghi ngại.
Chẳng hạn như ngân hàng VPBank, lợi nhuận 9 tháng đã vượt 3.000 tỷ đồng, gần cán đích kế hoạch lợi nhuận cả năm, dẫn đầu trong khối ngân hàng TMCP và phần lớn nhờ vào tín dụng. Tuy nhiên, nợ xấu tại ngân hàng này cũng chiếm 2,35% tổng dư nợ cho vay. Và nếu tính cả nợ xấu tại công ty con là công ty tài chính FE Credit, tổng quy mô nợ xấu của VPBank hợp nhất 3,09% - đứng thứ hai về nợ xấu trong các ngân hàng công bố số liệu.
Hay như LienVietPostBank, lợi nhuận quý III đạt 865 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ, song phần lớn đều nhờ vào hoạt động tín dụng trong khi các mảng kinh doanh khác đều lỗ, như mảng dịch vụ lỗ 212 tỷ đồng; mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 230 tỷ đồng; hoạt động khác lỗ thuần 136 tỷ đồng...
Đây cũng là lý do quan trọng khiến cơ quan quản lý, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách kiểm soát tín dụng, đặc biệt trong một số lĩnh vực cho vay như bất động sản, chứng khoán... “Say” lợi nhuận, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng quá nóng và để lại hậu quả cay đắng, nhất là nợ xấu, mà đến nay vẫn chưa khắc phục nổi.
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng thu lợi nhuận lớn từ tín dụng, cũng dễ dẫn tới lo ngại cản trở mục tiêu giảm lãi vay theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt hàng loạt giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho DN, như cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí trong thực hiện các nghĩa vụ thuế, hải quan... Trong tổng thể này, chính sách, chi phí về lãi suất vay vốn đóng góp rất quan trọng trong tạo điều kiện, hỗ trợ DN từ khởi nghiệp, duy trì hoạt động đến mở rộng sản xuất, kinh doanh... Do vậy, nếu ngân hàng đặt ra mục tiêu, kế hoạch và thúc đẩy tối đa hóa lợi nhuận từ tín dụng, sẽ khiến chi phí vay vốn của DN tăng cao, ngược dòng với hàng loạt biện pháp, quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong hỗ trợ sự phát triển của DN.
Để hiệu quả hoạt động, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng bền vững, các ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa các mảng kinh doanh khác như bán lẻ, dịch vụ cá nhân... Muốn vậy, các ngân hàng phải đầu tư công nghệ, đào tạo đội ngũ nhân sự, hoàn thiện quy trình nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Nguồn thu từ dịch vụ tốt, các ngân hàng có cơ hội giảm lãi suất, DN có cơ hội tiếp cận chi phí vốn hợp lý, nền kinh tế có cơ hội hồi phục và tăng trưởng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận