Singapore và Kuala Lumpur như hai viên ngọc. Cả hai nơi đều được bao phủ bởi hệ thống metro với kỹ thuật hiện đại và phần nào đó, tạo thành một nghệ thuật quản trị đô thị. Chúng được thiết kế nhằm mang đến sự tiện lợi cho dân cư và cả người đi du lịch.
Metro ở Singapore lẫn Kuala Lumpur luôn có thông tin rõ ràng bằng tiếng Anh để hướng dẫn khách du lịch. Và quả chúng như một vở ballet giao thông vận tải, khó quên trong một hành trình.
Trong trái tim Kuala Lumpur, sự kết nối đô thị gồm các mạng đường sắt MRT, LRT, monorail và KTM Komuter. Đối với khách du lịch, mạng lưới này có thể như một lời thách đố vì xem lướt qua thì thấy phức tạp.
Nhưng nếu chịu khó đọc bảng thông tin chỉ dẫn (bằng tiếng Anh) thì thấy dễ hiểu. Và giá vé thì rẻ vô đối, dao động từ RM1 (chỉ khoảng 5.000 đồng Việt Nam) cho đến RM6.52, tùy khoảng cách đi lại và loại hình di chuyển.
Các hệ thống này không chỉ cung cấp cho người đi lại, làm việc, những chọn lựa để di chuyển mà còn đóng góp đáng kể vào việc làm giảm tắc nghẽn, và cả phần nào đó, khuyến khích du lịch bền vững cùng tính kỷ luật. Với sự linh hoạt, với mức giá hợp lý, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người chọn giao thông công cộng thay vì thuê hay lái xe bốn bánh để khám phá những địa điểm nổi tiếng.
Còn đối với Singapore, hệ thống metro cũng mở ra như một vở ballet, không kém phần hấp dẫn với sân khấu là MRT và LRT. Hai loại hình metro này có thể được xem như những "vũ công" di chuyển qua các phần khác nhau của thành phố - quốc đảo này.
Singapore về thực chất cũng chỉ là một thành phố với diện tích bằng đảo Phú Quốc, chỉ bằng 1/3 diện tích TP.HCM.
MRT chiếm vị trí trung tâm với những bước đi rộn rã, trong khi LRT thêm một chút quyến rũ, xoay quanh một cách duyên dáng đến các khu vực cư trú xa trung tâm thành phố.
Giá vé của "vở ballet" này được định giá dựa trên khoảng cách đi lại, dao động từ S$0.83 (15.000 đồng) đến S$2.084 cho cả hai hệ thống.
Việc tập trung của cả Singapore lẫn Kuala Lumpur vào sự tiện lợi quả rất rõ ràng, và kết hợp cả tính hiệu quả với giá cả phải chăng, để ai ai cũng có thể di chuyển mà không tốn quá nhiều tiền.
Đối với những người muốn di chuyển nhanh chóng hoặc cá nhân hơn, thì Grab, ứng dụng đặt xe phổ biến ở cả Singapore lẫn Malaysia, là một lựa chọn dễ dàng. Đương nhiên, app của Grab ở Việt Nam qua đây vẫn dùng được, thẻ tín dụng do ngân hàng Việt Nam phát hành cũng vậy.
Ở Singapore, chia sẻ chuyến đi bốn bánh với một người khác là sự lựa chọn tiết kiệm hơn một chút. Ví dụ, nếu chỉ một mình một xe từ sân bay Changi vô chợ Bugis, gần 10 cây số thì phải trả 20,8 đôla Singapore (1 đô la Singgapore tương đương 17.000 đồng).
Nhưng nếu đồng ý chia sẻ chiếc xe đó với một người khách thì chỉ phải trả 13 đôla (khoảng 221.000 đồng). Và tôi đã làm thế để tiết kiệm. Ở đây xe máy hai bánh thì chỉ để giao hàng, không chạy xe ôm chở người như ở Việt Nam ta.
Nói chung, giá xe Grab, giống như mọi nơi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chủ yếu là cây số và giờ di chuyển (đường vắng giá rẻ, đường đông giá đắt).
Ở Singapore, chẳng hạn, buổi sáng mà đi trước 8h thì giá tương đối dễ chịu. Tôi từng một mình một xe từ một khách sạn trên đường Queen thuộc khu Bugis ra phố Orchard nổi tiếng có bờ lề đi bộ rộng rãi với giá 6,8 đôla Singapore, chừng 2,4 cây số. Thật ra, đi MRT thì tốn 1,8 đôla thôi, nhưng tôi muốn ngắm phố phường một chút nên dùng Grab.
Trong khi ở Malaysia, giá Grab dễ chịu hơn. Đi gần 10 cây số, giờ cao điểm là 20 ringgit, tức khoảng 5,8 đôla Singapore. Cũng dễ hiểu vì giá sinh hoạt ở Malaysia thấp hơn so với nước láng giềng.
Theo Numbeo, trang web chuyên so sánh mức sống các nơi cập nhật đến đầu tháng 11/2023, chỉ số tiêu dùng của Singapore cao hơn Kuala Lumpur đến 134,4% (không tính tiền thuê nhà)!
Và lương thực lãnh trung bình ở Singapore sau khi đóng thuế là 7, 063 đôla Singapore; và ở Kuala Lumpur là 1,568 đôla Singapore (khoảng 5.482 ringgit quy đổi).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận