Y tế

Ảnh hưởng đến sức khỏe, khí thải phương tiện giao thông cần được kiểm soát

14/12/2022, 18:04

Rất nhiều loại khí độc hại như CO, CO2, NO2, khói đen… từ phương tiện giao thông thải ra môi trường gây ảnh hưởng lớn sức khỏe con người.

Khí thải phương tiện giao thông tác động tới sức khỏe con người

Xe mô tô, xe gắn máy là loại phương tiện có tốc độ tăng trưởng nhanh, số lượng lớn, do đặc thù sử dụng, xe mô tô, xe gắn máy đã trở thành một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là các đô thị lớn.

img

Khí thải từ phương tiện giao thông gây ảnh hưởng lớn sức khỏe con người

Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% CO; 57% NOx... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân.

Các chuyên gia cho biết, khi các phương tiện sử dụng nhiên liệu để vận hành, động cơ sẽ phát thải một lượng lớn các chất khí có thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tham gia giao thông và sinh sống dọc các tuyến đường giao thông.

Nhiều chuyên gia đánh giá, hiện tại, một bộ phận người dân sử dụng xe máy chưa nhận thức rõ hiệu quả của việc bảo trì, bảo dưỡng phương tiện định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn.

Đặc biệt, nhiều phương tiện cũ nát, hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, không chỉ đe dọa đến sự an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí của các đô thị, đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của người dân

Theo WHO, ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%.

Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Do đó WHO đã khuyến cáo nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.

Giải pháp nào giảm thiểu khí thải phương tiện giao thông?

Theo Chuyên gia giao thông, Ths. Vũ Hoàng Chung, cả nước hiện có hơn 65 triệu xe máy, một phần không nhỏ trong số đó là xe máy cũ nát. Lượng khí thải độc hại từ xe máy là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có giải pháp khẩn cấp để giảm thiểu loại hình phương tiện này.

Một khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cũng chỉ ra rằng, trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường.

Phần lớn lượng khói bụi độc hại phát thải ra môi trường không khí của thành phố bắt nguồn từ hàng triệu chiếc xe máy cũ nát đang ngày ngày lưu thông trên đường.

Bởi vậy, muốn giảm thiểu khí thải xe máy, biện pháp đầu tiên là phải tập trung xoá bỏ lượng xe cũ nát, rà soát, kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với khí thải của xe máy.

Song song với nhóm giải pháp xử lý xe máy cũ nát, kiểm soát khí thải xe còn lưu hành, cần có hai nhóm giải pháp khác để hạn chế khí thải xe máy là giảm dần lượng xe máy mới lưu thông; khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện “xanh” như xe máy điện, xe buýt điện, tàu điện…

Ngoài ra, các đô thị lớn cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là tàu điện, xe buýt nhiên liệu sạch… để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.