Thế giới giao thông

Anh triển khai đại kế hoạch “lột xác” ngành đường sắt

25/05/2021, 05:59

Trong sách trắng về cải tổ đường sắt của Anh, chính quyền London sẽ thành lập cơ quan vận hành mới mang tên Great British Railways.

img

Chính phủ Anh lấy hành khách làm trung tâm khi xây dựng đại kế hoạch cải tổ đường sắt

Chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa công bố kế hoạch cải tổ đường sắt trên quy mô lớn nhất từ năm 1990 đến nay, nhằm giải quyết những bất cập cố hữu trong ngành đường sắt nước này cũng như tạo động lực mới để hồi phục, vượt qua khó khăn trong dịch bệnh Covid-19.

Quản lý tập trung nhưng không quốc hữu hóa

Trong sách trắng về cải tổ đường sắt của Anh được công bố cuối tuần qua, chính quyền London thông báo sẽ thành lập cơ quan vận hành mới mang tên là Great British Railways.

Công ty này sẽ chịu trách nhiệm quản lý các tuyến đường sắt, cơ sở hạ tầng (cả đường ray và tàu điện), quản lý doanh thu bán vé, điều hành và lập kế hoạch mạng lưới dịch vụ đường sắt, quy định giá vé và lịch trình.

Giám đốc điều hành và Chủ tịch Tập đoàn Network Rail (đơn vị đang quản lý hạ tầng đường sắt) là Andrew Haines và Peter Hendy sẽ nhận trách nhiệm thực thi việc tái cơ cấu.

Giải thích rõ, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, việc giao cho Great British Railways quản lý những hạng mục kể trên không có nghĩa chính quyền Anh đưa ngành đường sắt trở lại thời kỳ quốc hữu hóa. Mục đích chính khi thành lập Great British Railways là “đơn giản hóa cách quản lý”.

Các công ty tư nhân vẫn hoạt động nhưng theo hợp đồng mới, được trả phí cố định để vận hành một tuyến đường sắt khu vực hoặc liên thành phố, phải tuân thủ cấu trúc giá và khung thời gian được quy định trước.

Đồng thời, họ được thưởng dựa trên tỉ lệ đúng giờ và lượng khách để nâng cao tính cạnh tranh. Cơ quan quản lý cũng giảm bớt rào cản, mở cửa cho các đơn vị đấu thầu mới tham gia vào đường sắt.

Chấm dứt “trò chơi đổ lỗi”

Cách điều hành này được nhận định sẽ giúp chấm dứt vấn đề lớn nhất trong hàng chục năm qua của đường sắt Anh đó là không ai chịu trách nhiệm, có vấn đề là đổ lỗi lẫn nhau.

Bởi ở lối quản lý bất cập kiểu cũ, đường ray thuộc quản lý Nhà nước nhưng phần lớn tàu do các công ty tư nhân điều hành, được hưởng trợ cấp lớn từ Chính phủ. Từ sau khi tư nhân hóa ngành đường sắt vào giữa những năm 90 của thế kỷ 20, hệ thống đường sắt quốc gia Anh được chia thành 20 công ty nhượng quyền theo khu vực và liên thành phố, sau giảm còn 17.

Kiểu hoạt động kinh doanh nhượng quyền này làm phát sinh nhiều vấn đề, điển hình một thời gian dài từ năm 2012 đến nay, 2/3 hợp đồng mới nghiễm nhiên được giao cho các công ty tư nhân mà không cần phải qua cạnh tranh.

Hầu hết các công ty nhượng quyền lại rơi vào tay của một nhóm nhỏ các công ty như FirstGroup và Go-Ahead cùng một số nhóm vận tải quốc tế.

Vì cách quản lý không hiệu quả nên người dân Anh liên tục phàn nàn về chất lượng dịch vụ kém, chậm trễ, giá vé tàu tại Anh không chỉ cao hơn so với các phương tiện khác mà còn ở mức cao nhất ở châu Âu và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chưa kể, một số nhà vận hành không đạt được mục tiêu lợi nhuận buộc chính phủ phải can thiệp. Trong 2 thập kỷ qua, Chính phủ Anh đã phải tiếp nhận điều hành 4 công ty vì không đạt được mục tiêu tài chính.

Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ, chính quyền ông Boris Johnson đã phải đưa toàn bộ hệ thống đường sắt hoạt động theo chế độ hợp đồng ngắn hạn khẩn cấp vì lượng khách sụt giảm sâu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận: “Tôi là người có niềm tin rất lớn với đường sắt nhưng trong suốt thời gian dài, hành khách Anh đã không được hưởng chất lượng dịch vụ xứng đáng”.

Lấy hành khách làm trung tâm

“Cuộc cải tổ mới sẽ đặt dấu chấm hết cho hệ thống quản lý đường sắt phức tạp và tuyệt vọng. Đây là lúc để bắt đầu cải tổ, trao cho đường sắt nền tảng ổn định và vững chắc hơn trong tương lai, giải phóng năng lực chuyên môn, sáng tạo và cạnh tranh trong ngành tư nhân”, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps quả quyết.

Để đưa ra kế hoạch này, Anh đã thành lập ủy ban đánh giá chất lượng đường sắt từ trước khi đại dịch chưa bùng nổ để tìm hiểu rõ vấn đề trong ngành đường sắt Anh và đưa ra kế hoạch khắc phục.

Ông Keith Williams, cựu lãnh đạo British Airways, được bổ nhiệm làm Chủ tịch ủy ban trên khẳng định, chiến lược mới được xây dựng dựa trên nguyên tắc lấy hành khách làm trung tâm, những hợp đồng mới sẽ được trao cho những công ty có dịch vụ tốt nhất, giá phải chăng, có ban lãnh đạo anh minh và chịu trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra.

Ngoài ra, London chủ trương sẽ đề xuất mức giá linh hoạt theo mùa. Chính phủ Anh kỳ vọng trong tương lai người dân sẽ được hưởng dịch vụ tàu rẻ và thủ tục mua vé, bồi thường đơn giản hơn.

Đại diện quyền lợi của hành khách, ông Anthony Smith, Giám đốc điều hành công ty giám sát lợi ích cho hành khách Transport Focus cho rằng: Hành khách sẽ rất hoan nghênh động thái xây dựng đường sắt tập trung và có trách nhiệm hơn.

Ngoài tăng hiệu quả, cạnh tranh, đại kế hoạch còn xác định rõ mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt Anh hiện đại và thân thiện hơn với môi trường, đóng góp vào mục tiêu giảm khí thải carbon của chính phủ.

Hiện tại, Vương quốc Anh đang xúc tiến thực hiện 2 công trình đường sắt lớn. Thứ nhất là đường sắt cao tốc nối London với các thành phố miền Bắc nước Anh (HS2) mới khởi công năm ngoái, trị giá 100 tỷ bảng Anh phần lớn dựa trên vốn Nhà nước. Thứ hai là đường sắt Elizabeth mới của Thủ đô London kết nối trung tâm thành phố với sân bay Heathrow, dự kiến mở cửa năm tới sau thời gian dài bị trì hoãn và đội vốn.

Chính phủ Anh chuẩn bị dỡ bỏ gần hết các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 từ ngày 21/6 tới vốn là nguyên nhân khiến lượng khách sụt giảm, nhiều công ty đường sắt điêu đứng. Theo số liệu thống kê chính thức, có tổng cộng 35 triệu chuyến tàu hoạt động trong quý II/2020, thời điểm Anh thực hiện lệnh phong tỏa đầu tiên, giảm hơn 10 lần so với cùng kỳ năm trước là 400 triệu chuyến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.