Nghệ sĩ nhân dân Anh Tú trong vở Rừng trúc |
Một người nghệ sỹ tài năng và đức độ vừa ra đi. Nghệ sĩ nhân dân Anh Tú - người đã gắn bó với sân khấu VN thời rực rỡ nhất và đóng góp vào thành tựu ấy những dấu ấn cá nhân không thể phai mờ.
Là một diễn viên, kép chính, anh nhận những vai nam trong những vở diễn kinh điển mà bất cứ diễn viên nào bước lên sân khấu đều mơ ước như Romeo Juliet, Othello; Macbeth, Rừng Trúc, Vũ Như Tô.
Là đạo diễn, anh chấp nhận cả thành công và thất bại với nhiều thử nghiệm: Kiều Loan, Cầu vồng Lục sắc, Kiều...
Là lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật lớn của Nhà nước, anh chứng kiến những nhọc nhằn của thánh đường sân khấu buổi thoái trào và đã tận tâm tận lực cùng đồng nghiệp, đàn em vật vã bươn chải để nhà hát sáng đèn, để giành giật từng khán giả ở lại với sân khấu chính thống.
Có thể nói với nghề, với khán giả, Anh Tú đã có một tuổi thanh xuân đẹp đẽ.
Nó vừa rực rỡ hào quang của sự thành công, của những tài năng được đón nhận, lại còn nguyên vẹn những trong trẻo của đam mê, cống hiến không hề toan tính, vụ lợi.
Cùng với thanh xuân của anh, là niềm vui trong lành của cả một thế hệ.
Một thế hệ thời mới mở cửa, đường muôn hướng hướng nào cũng rộng, ngỡ ngàng ngơ ngác nhưng lại tự tin, tin mình, tin người, tin vào cái tốt đẹp của cuộc đời.
Đời sống tinh thần lúc đó vẫn chưa có internet, phim nhập chủ yếu qua FAFIM, có phim Oscar nhưng mỗi năm chỉ trên dưới chục phim chiếu vòng quanh các rạp.
Ca nhạc đã có Gala (một dạng Festival) nhưng chưa có live show cá nhân, băng đĩa in nhiều vì ít bị in sang lậu nhưng các cơ sở băng đĩa nhà nước quản.
Nên sân khấu và văn chương bùng nổ.
Ấp ủ, gieo trồng và giờ là gặt hái.
Có thật nhiều những tên tuổi vạm vỡ, từ Tào Mạt, Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Nguyễn Đình Nghi, Doãn Hoàng Giang , Lê Hùng đến những gương mặt đẹp rỡ ràng như Trần Vân, Hoàng Cúc, Minh Trang,Trọng Trinh, Lan Hương, Chí Trung Lê Khanh, Ngọc Huyền ...và Anh Tú.
Mỗi cái tên là cả một thế giới của các nhân vật, đa dạng, phong phú, sinh động, vừa đời vừa mộng mơ.
50-70 ngàn một tấm vé xem kịch ở thời điểm bát phở 7-10 ngàn không phải là trở ngại cho ngân sách của mỗi gia đình thành phố.
Không giàu, nhưng họ thấy việc cuối tuần đến Nhà hát lớn, rạp Công Nhân, rạp Ngô Thì Nhậm là một lẽ cần thiết đương nhiên.
Nghệ sỹ sống được vì khán giả còn cần nghệ thuật. Nghệ sỹ sống tử tế, sống đẹp vì khán giả còn tin vào điều tử tế, tin vào cái đẹp cứu rỗi tâm hồn con người.
Hình như, thời hoàng kim của sân khấu qua đi, những điểu tưởng như hiển nhiên đó cũng lặng lẽ mất dần.
Cái chết của một người nghệ sỹ tài năng và tử tế, đột ngột và đau thương, tự nhiên gợi lại tất cả thanh xuân của người nghệ sỹ đã vĩnh viễn qua đi.
Còn mỗi người, liệu còn giữ lại được gì từ thanh xuân của mình?
Và còn gì để nói với tương lai, với con cháu, về một thanh xuân đã qua?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận