Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng VN điều hành hội thảo |
Sáng nay (4/12), Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng VN) phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức hội thảo khoa học “Phổ biến hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý ATGT đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014”.
Đây là hoạt động trong chuỗi các nội dung nghiên cứu triển khai cấp nhà nước “Thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý ATGT đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014” thuộc chương trình Quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020.
Bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng Chứng nhận Hệ thống cho biết, tiêu chuẩn ISO 39001 có tên đầy đủ là Hệ thống quản lý ATGT đường bộ, được xây dựng với mục đích giảm bớt và loại bỏ rủi ro tử vong, thương tật liên quan đến TNGT.
“ISO 39001 gồm 10 điều khoản chính, bao gồm 5 giai đoạn triển khai: Bối cảnh, vai trò của lãnh đạo; Lập kế hoạch; Thực hiện; Đo lường và đánh giá; Cải tiến liên tục kết quả giảm thương tật, tử vong”, bà Ngọc Anh nói và cho biết, tiêu chuẩn ISO 39001 có thể áp dụng cho các cơ quan khu vực công - tư có tương tác với ATGT đường bộ và áp dụng trong tất cả các khâu từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành giao thông đường bộ.
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, thời gian qua, TNGT ở Việt Nam đã được kìm chế. Tuy vậy, theo thống kê, có tới 97-99% số người chết và bị thương do TNGT liên quan đến lĩnh vực đường bộ. Thiệt hại do TNGT đường bộ gây ra tại Việt Nam chiếm từ 2,5 - 2,9% GDP (khoảng 5 tỷ USD).
“Xu hướng đô thị hóa và cơ giới hóa hiện ngày càng tăng. Tỷ lệ sở hữu phương tiện cơ giới ở nước ta hiện có khoảng 600 xe/1.000 người, ngang với các quốc gia phát triển. Dự báo 3 năm tới sẽ có khoảng 1 triệu xe kết nối trên hạ tầng giao thông của Việt Nam. Điều đó đòi hỏi công tác quản lý về trật tự ATGT và thực hiện pháp luật ATGT phải chặt chẽ hơn, khoa học hơn”, ông Minh nói và cho rằng, Tiêu chuẩn ISO 39001:2014 sẽ là công cụ hỗ trợ hữu ích để các cơ quan QLNN tham khảo hoạch định các chính sách pháp luật liên quan tới hạ tầng giao thông, phương tiện, người lái, ứng phó sau tai nạn, giáo dục ATGT và bảo hiểm.
“Đặc biệt, các DN vận tải có thể áp dụng tiêu chuẩn này vào quản lý ATGT của DN góp phần giảm thiểu TNGT ở Việt Nam”, ông Minh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận