Đáo hạn hàng nghìn tỷ
Theo Bộ Tài chính, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 là khoảng 310.131 tỷ đồng. Nhóm các công ty bất động sản là 1 trong 2 ngành có tỷ lệ đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong năm nay, với tỉ lệ gần 35%.
Trong báo cáo mới đây của Shinhan Securities, có đến 8 doanh nghiệp bất động sản niêm yết còn hơn 1.000 tỷ dư nợ trái phiếu (giai đoạn 2023-2026), gồm: Novaland, Vinhomes, Hải Phát Invest, Nam Long, Văn Phú Invest, Khang Điền, Phát Đạt và DIC Corp.
Trong đó, Novaland (NVL) có hơn 20.000 tỷ đồng dư nợ, dòng tiền đáo hạn trong năm 2024 là 9.402 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều ông lớn bất động sản khác cũng có hơn nghìn tỷ đáo hạn trái phiếu gồm Vinhomes (VHM), Hải Phát (HPX), Nam Long (NLG)…
Với nhóm bất động sản niêm yết, Novaland bị đánh giá phải chịu nhiều áp lực từ đáo hạn trái phiếu cho tới năm 2026. Về tình hình tài chính doanh nghiệp, hiện tại tiền mặt và các khoản tương đương tiền của NVL chỉ ở mức 3.412 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả đạt gần 196.000 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2023, doanh thu thuần của Novaland đạt 4.759 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế khiêm tốn 685 tỷ đồng.
Một cái tên khác cũng chịu nhiều áp lực từ dư nợ trái phiếu là Hải Phát Invest. Trong năm nay, HPX phải gánh 1.359 tỷ đồng đáo hạn, trong khi lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp chỉ còn gần 25 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2023, tổng nợ phải trả của Hải Phát cũng ở mức 4.710 tỷ đồng, tăng gần 22% so với số đầu kỳ. Lũy kế trong năm 2023, HPX ghi nhận doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 134,3 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ.
Trong nhóm trên, Văn Phú Invest cũng là một công ty phải chú ý đến đáo hạn trái phiếu năm 2024 với bối cảnh nợ phải trả tăng hơn 1.200 tỷ đồng, lên 8.553 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp chỉ còn hơn 195 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Văn Phú Invest đều giảm, lần lượt là 1.876 tỷ đồng và 463 tỷ đồng (tương đương mức giảm 13% và 6%).
Thị trường bất động sản khi nào hồi phục?
Bước sang năm 2024, nhiều chuyên gia nhận định thị trường sẽ bước vào giai đoạn nền tảng quan trọng. Với sự hội tụ các yếu tố cần thiết, trong đó có việc sửa đổi các luật liên quan, chu kỳ tăng trưởng bất động sản mới sẽ sớm được kích hoạt.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực dự báo sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ rõ nét hơn từ đầu quý II/2024 khi các chính sách hỗ trợ ngấm sâu hơn, các vụ việc về tài chính sẽ được giải quyết; các sắc luật mới bắt đầu đi vào soạn thảo, triển khai; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi qua giai đoạn khó khăn nhất…
Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, cho rằng hiện nay, nhu cầu thực đối với bất động sản vẫn có và những chính sách tốt hỗ trợ thị trường đã tạo ra cú hích tương đối. Thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua và đang chờ đợi những cơ hội mới.
Thị trường bất động sản sớm phục hồi sẽ giúp các doanh nghiệp bớt khó khăn về tài chính.
Thận trọng hơn với tình hình hiện tại, Fiingroup (đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin tài chính và doanh nghiệp) cho rằng áp lực thanh toán của doanh nghiệp bất động sản khó có thể sớm giải tỏa khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, vướng mắc pháp lý vẫn tiếp diễn vì độ trễ chính sách, và các doanh nghiệp cần thời gian để cân đối lại dòng tiền hoạt động. Rủi ro chậm trả của thị trường cũng sẽ gia tăng do một số điều khoản gia hạn trong Nghị định 08 đã hết hiệu lực lẫn áp lực từ các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có cam kết mua lại trong năm 2024.
Đối với nhóm doanh nghiệp địa ốc, Fiingroup nhận định tiếp tục đối mặt với các áp lực về thanh khoản, khả năng tiếp cận nguồn vốn và các rủi ro về lãi suất, suy thoái kinh tế tác động đến nhu cầu và khả năng chi trả của người dân.
Giữa những thách thức và khó khăn kể trên, Fiingroup kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn với việc áp dụng những yêu cầu cao hơn đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường, qua đó giúp cho hoạt động phát hành trái phiếu mới dần phục hồi.
Các doanh nghiệp có thương hiệu tốt, chất lượng dự án đảm bảo, dòng sản phẩm đa dạng có thể sẽ tiếp cận được các kênh huy động vốn và có sức chống chịu tốt hơn trước các diễn biến bất lợi của thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận