Để chủ động ứng phó với mưa lớn và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão số 7, ngày 6/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có Công điện yêu cầu thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của ATNĐ, thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
“Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú an toàn. Đến 10h ngày 7/10, kêu gọi tất cả các tàu thuyền trên biển vào nơi neo đậu an toàn”, Công điện nhấn mạnh.
Tàu thuyền neo đậu tại khu tránh trú bão ở Quảng Trị
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các địa phương chủ động triển khai phương án sơ tán dân ở vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và của nhà nước.
Hướng dẫn người dân đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn thiên tai tại các địa điểm sơ tán, khu cách ly, các chốt kiểm dịch; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, bão lũ.
Tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi, thủy điện, công trình hạ tầng có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người lao động; rút toàn bộ công nhân ra khỏi vùng nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất.
Chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện cần tổ chức người trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
Ngoài ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cảnh báo các vị trí nguy cơ trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển để các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó với sự cố, thiên tai trong mùa mưa lũ, bão lụt từ ngày 6 - 12/10.
“Yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công của ngành giao thông, xây dựng, thủy lợi, thủy điện phải có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ, nhân viên, người lao động, rút toàn bộ công nhân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất; bảo vệ phương tiện, thiết bị, vật tư thi công.
Bố trí biển cảnh báo hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang; phương án neo đậu các xà lan, phao bè tránh va trôi.
Chú ý chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, thiết bị thông tin liên lạc, nguồn điện dự phòng, thuốc men- kể cả khẩu trang, nước sát khuẩn...”, Thông báo nhấn mạnh.
Cùng ngày (6/10), Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết đã có văn bản chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 7.
“Tất cả chủ các phương tiện, tàu thuyền của tỉnh đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới”, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cho hay.
Tính đến 7h ngày 6/10, số tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị đang neo đậu tại các bến của tỉnh 2.279 chiếc với 6.902 thuyền viên; 33 chiếc với 261 thuyền viên đang hoạt động tại khu vực biển đảo Cồn Cỏ. Tàu thuyền ngoại tỉnh vào neo đậu trên địa bàn là 6 chiếc với 41 thuyền viên.
Trong đó, tàu của tỉnh Thừa Thiên Huế 1 chiếc với 8 thuyền viên, tàu của tỉnh Quảng Ngãi 4 chiếc với 24 thuyền viên, tàu của tỉnh Bình Định 1 chiếc với 9 thuyền viên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận