Hải quân Trung Quốc ngang nhiên tập bắn đạn thật gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam |
Ngày mai (12/7), Tòa trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về chủ quyền biển Đông. Đây sẽ là phép thử về sự đoàn kết của ASEAN…
Tân Ngoại trưởng Philippines nhỡ mồm
Cuối tuần qua, ông Perfecto Yasay, tân Ngoại trưởng Philippines đã phải “nói lại” về quan điểm trước đó của chính mình về việc “chia sẻ” tài nguyên biển Đông với Trung Quốc.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn của AFP ngày 8/7, ông Yasay đã tuyên bố Philippines sẵn sàng “chia sẻ” với Trung Quốc các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại những khu vực tranh chấp ở biển Đông, ngay cả khi PCA ra phán quyết có lợi cho nước này. AFP cũng trích dẫn lời ông Yasay rằng, Chính phủ của tân Tổng thống Rodrigo Duterte hy vọng sẽ nhanh chóng tiến hành đối thoại với Trung Quốc sau khi PCA ra phán quyết vào ngày 12/7. Các cuộc đàm phán sẽ tập trung thảo luận về việc cùng khai thác khí đốt và nguồn lợi thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nơi mà hai nước có chủ quyền chồng lấn.
Ngay sau đó, tuyên bố trên hứng chịu nhiều chỉ trích rằng, điều đó không khác nào việc Philippines từ bỏ các quyền của mình ở Biển Đông. Do vậy, trong lời “nói lại”, ông Yasay giải thích: “Do phán quyết của PCA không nhằm giải quyết vấn đề chủ quyền và phân định ranh giới lãnh hải. Vào một thời điểm nào đó trong tương lai, các nước tranh chấp có thể thảo luận về việc cùng khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên tại những khu vực tranh chấp, mà không gây phương hại cho đòi hỏi chủ quyền của các bên và cho việc phân định ranh giới theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển".
Các nhà quan sát bình luận, quan điểm của Philippines về vấn đề Biển Đông có vẻ “mềm mỏng” hơn dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino.
Phép thử về sự đoàn kết của ASEAN
Về phía Trung Quốc, lâu nay nước này không công nhận vụ Phillippines kiện Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông. Mới đây nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, vụ kiện này đã “vi phạm luật pháp quốc tế dưới vỏ bọc rằng Philippines đang đấu tranh vì nó”. Thậm chí, tuần trước, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sẽ không thừa nhận thẩm quyền của PCA. Trước đó, giới chức nước này luôn hô hào: “Không coi bất kỳ phán quyết nào từ bên thứ ba là giải pháp”.
Vì vậy, các nhà quan sát cho rằng, ASEAN cần gạt bỏ những bất đồng để tìm được một lập trường chung đối với vụ kiện; Tránh để ASEAN bị suy yếu trong việc đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn.
Tạp chí Forbes bình luận, Trung Quốc không chỉ muốn biển Đông là vùng biển riêng, mà còn muốn thiết lập những luật lệ hàng hải riêng trên tuyến đường biển chiến lược này. Ông Alexander Neill, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London nói: “Tôi cho rằng, ASEAN sẽ suy giảm uy tín nếu không đưa ra một tuyên bố chung trước phán quyết của PCA”. Trong khi đó, tờ Jakarta Post dẫn lời nhà ngoại giao Indonesia Derry Aman khẳng định, ASEAN đang tìm cách “đạt được một sự đồng thuận chung về một bản tuyên bố có thể đưa ra”.
Sự cần thiết đồng thuận của ASEAN trước những động thái leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên biển Đông cũng vừa được ông Ng Eng Hen - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore nhấn mạnh: “Trung Quốc rõ ràng muốn đàm phán song phương với từng nước tranh chấp và hy vọng ASEAN không can thiệp. Tuy nhiên, ASEAN và các nước khác không thể phớt lờ thực tế biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Trung Quốc hứa hẹn bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, tuy nhiên không một quốc gia có trách nhiệm nào lại chỉ ngồi yên và hy vọng không có gì xảy ra trong khi thực tế ngày càng nóng lên. Vì thế, chúng ta nhất thiết phải quan tâm đến điều này”.
Nhiều nhà phân tích cũng dự đoán, PCA sẽ đưa ra một phán quyết có lợi cho Philippines vào ngày mai (12/7) và phán quyết này sẽ là một trắc nghiệm đối với sự đoàn kết của ASEAN trước những tranh chấp về chủ quyền biển Đông với Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận