Ngày 15/7, trả lời báo chí, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phản đối đề xuất Ba Lan sử dụng hệ thống phòng không của nước này để bắn hạ tên lửa Nga trên lãnh thổ Ukraine.
"NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, NATO vẫn theo đuổi chính sách không tham gia vào cuộc xung đột, không trở thành một phần trong cuộc xung đột này. NATO đang giúp Ukraine phá hủy máy bay của Nga, nhưng NATO sẽ không trực tiếp tham gia", ông nói và nhấn mạnh Ukraine có quyền tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ đối phương.
Ông cũng lưu ý các nước đã áp đặt các biện pháp hạn chế trong việc sử dụng vũ khí viện trợ cho Ukraine. Đồng thời, ông hoan nghênh quyết định của Mỹ cho phép sử dụng tên lửa do Mỹ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga gần biên giới Ukraine ở khu vực Kharkiv.
Trước đó vào ngày 12/7, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski cho biết nước này đang xem xét đề xuất của Ukraine về việc Ba Lan đánh chặn tên lửa của Nga bay về hướng các thành phố ở Ukraine hoặc bay vào lãnh thổ Ba Lan.
Đề xuất được đưa ra thảo luận đầu tuần trước, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Warsaw để ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh giữa hai nước.
Ông Sikorski khẳng định một số tên lửa của Nga khai hỏa từ khu vực Saint Petersburg, qua Belarus rồi xâm phạm không phận Ba Lan trong khoảng 40 giây trước khi bắn trúng mục tiêu ở Ukraine.
Vị bộ trưởng giải thích thêm, nếu Ba Lan chỉ bắn hạ tên lửa Nga khi đã xâm phạm không phận Ba Lan, các mảnh vỡ tên lửa sẽ đe dọa đến tính mạng người dân và tài sản trên lãnh thổ nước này.
Vì thế Ba Lan bắn hạ các tên lửa có nguy cơ xâm phạm không phận Ba Lan ngay trên lãnh thổ Ukraine có thể coi là hành động tự vệ.
Song, ông nhấn mạnh vẫn cần xem xét kỹ lưỡng đề xuất trên.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz trả lời đài phát thanh quốc gia Ba Lan Polskie Radio 24 cho biết nước này sẽ chỉ đưa ra quyết định thông qua đề xuất trên sau khi tham vấn của các đồng minh NATO chứ không tự quyết định.
Trước đó, Ba Lan từng nghi ngờ tên lửa hành trình phóng ra từ máy bay tầm xa của Nga đã xâm phạm vào vùng trời nước này trước khi nhắm đến mục tiêu ở Ukraine.
Theo Bộ Tư lệnh Tác chiến của quân đội Ba Lan, vào lúc 4h23 ngày 24/3, hệ thống radar quân sự đã phát hiện một tên lửa hành trình phóng ra từ máy bay tầm xa của Nga xâm phạm 2km vào vùng trời nước này, trước khi nhắm đến mục tiêu ở Lviv (Ukraine).
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak - Kamysz khi đó cho biết sẽ bắn hạ tên lửa nếu có khả năng nhắm vào các mục tiêu tại Ba Lan.
Cùng ngày, ông Pawel Wronski, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan yêu cầu Nga đưa ra lời giải thích.
Trước nữa, ngày 29/12/2023, quân đội Ba Lan cũng báo cáo một vật thể bay không xác định đã đi vào vùng trời của Ba Lan từ phía Ukraine. Các quan chức nước này sau đó khẳng định mọi dấu hiệu đều cho thấy vật thể này là tên lửa Nga.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận