Học sinh trường THCS Hoàng Hoa Thám, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang chăm chú theo dõi chương trình “Cùng em an toàn tới trường” |
Cùng em an toàn đến trường
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật TTATGT cho học sinh, kéo giảm vi phạm và TNGT liên quan đến các em, Ban ATGT tỉnh Bắc Giang, Sở GD&ĐT cùng Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đảm bảo ATGT trường học thiết thực, bổ ích.
Ngày 24/10, 100% học sinh trường THCS Hoàng Hoa Thám, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang có mặt tại khuôn viên trường theo dõi chương trình “Cùng em an toàn tới trường” được thực hiện với đầy đủ các phương tiện ôtô, xe máy thật, có các tình nguyện viên tái hiện những tình huống tham gia giao thông thực tế.
8 tình huống vi phạm giao thông điển hình, phổ biến trong học sinh, sinh viên đã được tái hiện như: Đi xe dàn hàng ba, lái xe sử dụng ô dù, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, vượt đèn đỏ, đi trái đường, lấn chiếm làn đường, đi bộ qua đường không quan sát, rẽ sang đường không bật đèn tín hiệu.
"Những năm tới, Văn phòng Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban ATGT tỉnh phối hợp với ngành Giáo dục, các địa phương trong tỉnh triển khai tốt hoạt động đảm bảo ATGT trường học, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT, góp phần kiềm chế và kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh”. Ông Hoàng Văn Hải |
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Bắc Giang trực tiếp dẫn chương trình “Cùng em an toàn tới trường”. Sau mỗi tình huống giao thông, ông Nam mời các học sinh nhận xét về tình huống, phân tích ai vi phạm, nguyên nhân dẫn đến TNGT... Từ đó, cán bộ CSGT sẽ phân tích vi phạm và mức xử phạt của từng tình huống và ông Nam hướng dẫn, gửi tới các em thông điệp ATGT, cách tham gia giao thông đúng luật.
Như tình huống che ô khi tham gia giao thông, cán bộ CSGT cho biết, hiện mức xử phạt vi phạm này từ 100 - 200 nghìn đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện). Còn ông Nam phân tích: “Dùng ô khi lái xe sẽ cản trở tầm nhìn của người điều khiển xe ở cả phía trước và phía sau và một khi xảy ra TNGT, những thanh kim loại được sử dụng làm thân ô, gọng ô có thể sẽ đâm thẳng vào cổ hoặc ngực người điều khiển xe, có thể dẫn đến tử vong”.
Em Nguyễn Thảo Vy, học sinh lớp 9, trường THCS Hoàng Hoa Thám cho biết, được xem những tình huống tham gia giao thông cụ thể, lại được CSGT và tuyên truyền viên ATGT phân tích đúng, sai của từng tình huống, hướng dẫn cách đi đúng luật, an toàn, em có thêm kiến thức tham gia giao thông đúng luật và em sẽ về hướng dẫn, nhắc nhở bạn bè, người thân cùng thực hiện.
Mô hình “Cùng em an toàn đến trường” là hoàn toàn mới, được thể hiện sinh động qua những tình huống tái hiện rất thực, do đó tác động sâu sắc đến các em học sinh. Từ tháng 9 đến nay, Tỉnh đoàn, Ban ATGT tỉnh và Sở GD&ĐT tỉnh đã triển khai được 10 buổi tái hiện mô hình này tại 10 trường học của 5 huyện, thành phố và ghi nhận phản hồi tích cực từ nhà trường, học sinh, phụ huynh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức tại 5 huyện với 10 chương trình, sau đó nhân rộng đến các địa bàn khác”, ông Nam nói.
Đưa ATGT về nhà
Đánh giá cao mô hình “Cùng em an toàn đến trường” bởi tái hiện sống động thực tế tham gia giao thông, ông Hoàng Văn Hải, Chánh văn phòng Ban ATGT Bắc Giang cho biết, từ nhiều năm nay, Bắc Giang đã chú trọng công tác đảm bảo ATGT học đường và triển khai nhiều cách làm, giải pháp hiệu quả, sáng tạo như hoạt động truyền thông ATGT gia đình, “Radio ATGT ký túc xá”, “Câu chuyện của tôi - Bài học của bạn”…
Như hoạt động truyền thông gia đình hiện đang được áp dụng tại 100% các trường học trên địa bàn, đã và đang cho thấy sự thiết thực và có sức lan tỏa lớn. Thực hiện hoạt động này, mỗi học sinh được phát một cuốn Sổ tay truyền thông gia đình được thiết kế theo chủ đề ATGT từng năm đưa về gia đình để ghi chép lại các hành vi khi tham gia giao thông của các thành viên trong gia đình, có bố mẹ xác nhận và nộp lại cho giáo viên chủ nhiệm hàng tuần. Nhờ sự tương tác đó, mỗi học sinh sẽ trở thành 1 tuyên truyền viên đưa ATGT về chính gia đình mình. Và khi đứa con nhỏ của mình tuyên truyền, nhắc nhở ATGT, các phụ huynh, người thân sẽ cảm thấy xúc động, thấm thía nhất. Đây cũng là cách để học sinh tự trau dồi quy định về ATGT, kỹ năng tuyên truyền ATGT và tăng cường sự gắn kết, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình với nhau, giữa nhà trường - học sinh - gia đình.
“Năm 2018, Ban ATGT tỉnh tổ chức tập huấn và triển khai hoạt động Truyền thông gia đình đến tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh, tổ chức in trên 300.000 cuốn Sổ tay truyền thông gia đình cấp cho 100% học sinh tại 100% trường học trên địa bàn”, ông Hải thông tin thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận