Xã hội

Bắc Giang: Ngang nhiên bạt núi, lấp sông trộm “cát tinh luyện”

06/01/2021, 07:32

Mua gom đất rừng rồi mở đường, bạt núi, lấp sông để tìm loại “cát tinh luyện” đang xảy ra tại xã An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

img

Toàn cảnh điểm khai thác, đãi, tuyển cát trái phép

Tự ý mua gom đất rừng rồi mở đường, bạt núi, lấp sông để tìm loại “cát tinh luyện”. Thực trạng này đã và đang diễn ra tại xã An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng vi phạm vẫn tiếp diễn.

Mở đường, bạt núi tìm cát

Thời gian gần đây, PV Báo Giao thông liên tục nhận được thông tin phản ánh của người dân xã An Lạc, huyện Sơn Động về việc một số người về mua gom đất rừng, đưa máy móc đến đào xới, vận chuyển đất, đá xuống sông Lục Nam nghiền nhỏ, đãi cát.

Cùng đó, những người này còn đắp đập, ngăn sông, tạo thành đập chứa nước lớn để đãi, sàng cát. Lượng “cát tinh luyện” thu được tại đây thường có màu vàng óng và màu trắng khác lạ. Sau khi sàng tuyển kỹ, cát được tập kết cạnh lán canh trên bờ và vận chuyển theo QL31 đến tỉnh Lạng Sơn tiêu thụ.

Một số người dân còn cho biết, họ nghe nói đây là khoáng sản quý, để xuất bán qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc với giá cả triệu đồng/m3(?!)

Tiếp nhận thông tin trên, PV Báo Giao thông tìm đến “mục sở thị” điểm khai thác trái phép này. Trước mắt PV là khai trường khai thác “cát tinh luyện” khá công phu với lán trại được dựng bằng tôn chắc chắn.

Cả chục máy móc công suất lớn như máy múc, máy sàng tuyển, bơm hút được bố trí trên đoạn đường được đắp dưới lòng sông. Cả đoạn sông Lục Nam đục ngầu vì đất, đá rửa trôi trong quá trình đào đất, đãi cát.

Những người có mặt ở đây cho biết, họ được thuê quản lý, vận hành máy móc và không biết ông chủ là ai. Công việc của họ là đào đất, đá từ trên đồi rồi đưa xuống sông nghiền, đãi cát để tập kết lên bãi.

Ở đây có cả cát màu vàng và màu trắng nhưng họ chỉ biết bán tại bãi với giá từ khoảng 190 - 250 nghìn/m3. Sau đó, cát được vận chuyển đến Lạng Sơn tiêu thụ, còn có được xuất bán sang Trung Quốc với giá tiền triệu hay không thì không biết.

Xử lý nửa vời

img

Dòng sông đục ngầu bởi hoạt động đào, đãi cát

Được biết, diện tích đất trên thuộc khoảnh 26, đã được UBND huyện Sơn Động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: BG 232898 ngày 9/9/2011, chủ đất là ông Vũ Trung (SN 1974, trú phòng 209, tập thể Hoàng Cầu, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội). Diện tích thửa đất là 100.000m2, mục đích sử dụng là đất rừng khoanh nuôi bảo vệ.

UBND xã An Lạc cho biết, đã nhận được phản ánh của người dân về điểm khai thác khoáng sản trái phép trên và nhiều lần kiểm tra, ghi nhận thông tin phản ánh là chính xác.

Tuy nhiên, do điểm khai thác này quá thẩm quyền xử lý của UBND xã nên đơn vị đã báo cáo, cùng cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Sơn Động phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm.

img

Cận cảnh quả đồi bị đào xới, lấy đất đi đào đãi

Cụ thể, gần đây nhất, khoảng 10h40 ngày 18/12/2020, tổ công tác đã kiểm tra, bắt quả tang ông Phạm Văn Sơn (SN 1981, trú thôn Phú Nhuận, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) khai thác khoáng sản (cát) không có giấy phép.

Tại thời điểm trên, tổ công tác xác định khối lượng cát khai thác trái phép khoảng từ 20 - 30m3 nên đã lập biên bản VPHC. Ngày 24/12/2020, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động ban hành quyết định xử phạt ông Phạm Văn Sơn 30 triệu đồng.

Trước đó, các ngày 23/10 và 16/11/2020, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cũng đã 2 lần ban hành các quyết định xử phạt bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1969, trú tổ dân phố Đồng Rì, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động) tổng số tiền 30 triệu đồng về các hành vi hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình, làm giảm chất lượng đất, làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích ban đầu và khai thác cát lòng sông mà không có giấy phép.

Tuy nhiên, các quyết định xử phạt trên chỉ yêu cầu người vi phạm đưa hiện trường khai thác về trạng thái an toàn; cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực khai thác... mà không tịch thu khối lượng khoáng sản khai thác trái phép đang tập kết tại bãi, từ đó xác định khối lượng đã trục lợi để truy thu.

Hơn nữa, mặc dù đã liên tục bị xử phạt, đình chỉ hoạt động nhưng điểm khai thác này vẫn hoạt động bình thường. Trao đổi về vấn đề này, ông Đàm Tiến Lái, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng TN&MT huyện Sơn Động cho biết, theo quy định, với mức vi phạm này thì người vi phạm chỉ bị xử phạt bằng tiền.

Trước việc các đối tượng có dấu hiệu tái phạm, tiếp tục khai thác, ngày 4/1, UBND huyện Sơn Động đã yêu cầu UBND xã An Lạc lập tổ công tác, cử dân quân tự vệ túc trực, thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.