Đời sống

Bắc Ninh: Dân tự kéo điện, dùng nước thải tại dự án đấu giá đất “3 không”

24/03/2021, 09:57
image

Sau nhiều năm đấu giá đất ở, được cấp sổ đỏ để làm nhà nhưng hàng chục hộ dân phải tự kéo điện, bơm nước thải để sinh hoạt tại dự án dân cư.

img

Người dân tự dựng cột, kéo dây điện tại khu đất đấu giá tại thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du.

Dự án đấu giá đất “3 không”

Những ngày gần đây, PV Báo Giao thông liên tục nhận được thông tin phản ánh của người dân thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh về tình trạng khu dân cư do UBND xã Phú Lâm và huyện Tiên Du làm chủ đầu tư xây dựng, đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không đồng bộ hạ tầng gây khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Cụ thể, nhiều người cho biết, dự án đã hoàn thành, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) cho người dân từ những năm 2017, 2018. Đến nay, dù hàng chục ngôi nhà đã được xây dựng, chuyển đến sinh sống, kinh doanh nhưng khu dân cư này vẫn chưa có hạ tầng cấp điện, nước sinh hoạt...

img

Mỗi khi xây dựng nhà, người dân đều phải tự kéo điện vào dự án.

Ngoài ra, sau nhiều năm thi công, tuyến đường giao thông dẫn vào dự án vẫn chưa hoàn thành GPMB thi công khiến đường nhỏ hẹp, khó đi, nhiều thiết bị bỏ dở, mọc rêu mốc bên đường.

Tiếp nhận thông tin trên, PV Báo Giao thông đã “mục sở thị” khu dân cư mới “3 không”. Ấn tượng nhất với chúng tôi khi đặt chân đến dự án này là những đường dây điện chằng chịt, uốn lượn trên đầu như mạng nhện. Cột điện được tận dụng từ đủ loại vật liệu như tre, gỗ, sắt... dựng khắp nơi trong khu dân cư.

Clip người dân tự kéo điện trong dự án dân cư "3 không" ở Bắc Ninh.

Đang thi công nhà trong khu dân cư này, ông N.V.T, thôn Tam Tảo chia sẻ: Gia đình tôi đã đấu giá đất tại dự án này với giá gần 1 tỷ đồng nhưng dự án không có điện, nước. Tất cả các gia đình xây dựng nhà cửa, sinh sống tại đây đều phải tự kéo điện, khoan giếng để sinh hoạt.

“Riêng gia đình tôi phải đầu tư gần 10 triệu đồng mua cột, kéo gần 400m đường điện phục vụ việc xây dựng nhà cửa. Tôi cũng đã thử khoan 2, 3 cái giếng trong mảnh đất của mình nhưng đều không có nước nên đành bơm nước thải dưới cống lên phục vụ trộn vữa, xây nhà.

img

Việc thi công tuyến đường dẫn vào dự án vẫn bị bỏ dở nhiều năm.

Không chỉ thiếu hạ tầng cấp điện, cấp nước, theo quan sát của PV, tuyến đường dẫn vào dự án và hệ thống cống thoát nước vẫn đang bị bỏ dở, dừng thi công nhiều năm. Nhiều thiết bị phục vụ thi công như: cống tròn, cống hộp, vật liệu xây dựng bị bỏ chỏng chơ ngoài trời dẫn đến hư hỏng, xuống cấp.

Huyện, xã đổ nhau, người dân lãnh đủ

Không chỉ thiếu hạ tầng, nhiều người dân sinh sống tại khu dân cư này cho biết, mỗi khi xây nhà, các hộ đều phải mời địa chính xã đến đo, cắm mốc giới thửa đất với giá 1,5 triệu đồng.

Đây là “luật bất thành văn” tại địa phương, mỗi khi xây dựng nhà cửa, người dân phải trả tiền trước thì họ mới ra cắm mốc cho. Không nghe theo thì sẽ gặp khó khăn đủ đường trong quá trình xây dựng.

“Chúng tôi thấy đây là khoản tiền vô lý vì khi đấu giá, đất đều đã được phân lô, có sơ đồ, mốc giới đầy đủ nhưng nay vẫn phải nộp tiền xác định mốc giới, lại không có biên lai nhận tiền. Thắc mắc thì họ chỉ nói đây là mức thu theo quy định chung của xã”, ông Đ.V.L, một người dân địa phương nói.

img

Sống trong khu dân cư mới nhưng người dân phải sử dụng nước thải dưới cống thoát nước.

Đại diện lãnh đạo UBND Phú Lâm xác nhận tình trạng “3 không” tại dự án trên, đồng thời cho biết: Đây là dự án đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nông thôn mới do UBND huyện Tiên Du làm chủ đầu tư, UBND xã Phú Lâm chỉ thực hiện GPMB, đứng ra làm đại diện ký hợp đồng với đơn vị thi công hạ tầng.

Dự án được triển khai từ năm 2014, mới tổ chức đấu giá, giao đất cho người dân hơn 1 năm nay. “Do sơ suất trong quá trình thiết kế, thi công nên đến nay dự án vẫn chưa được cấp điện, nước; đường giao thông dẫn vào khu dân cư cũng chưa hoàn thành vì vướng mặt bằng, UBND xã Phú Lâm đang đề nghị UBND huyện, tỉnh lập dự án mới, hoàn thiện hạ tầng cho người dân. Các thông tin khác sẽ được UBND xã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ”, lãnh đạo UBND xã Phú Lâm nói.

Clip người dân bức xúc phản ánh vụ việc.

Trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại, ông Nguyễn Công Ký, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du lại khẳng định: Dự án này do UBND xã Phú Lâm làm chủ đầu tư, đã được thực hiện từ những năm trước. Đến nay, những lãnh đạo huyện, xã liên quan đến dự án đều đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu nên huyện chưa nắm rõ. UBND huyện đang yêu cầu UBND xã Phú Lâm kiểm tra, báo cáo cụ thể.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.