Có lẽ chưa bao giờ các bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức rơi vào cảnh phải hạn chế các ca mổ phiên vì thiếu vật tư y tế, hóa chất như hiện nay.
Một bác sĩ ngoại khoa tại BV Hữu nghị Việt Đức chia sẻ: "Mới hôm qua, gia đình một bệnh nhân 70 tuổi gẫy cổ xương đùi liên lạc xin lên mổ mà chúng tôi không thể tiếp nhận vì thiếu vật tư y tế. Dù trường hợp này phải mổ trong 1-2 tuần, nếu không sẽ bị loét do tì đè, có thể chết do bội nhiễm phổi. Giờ có nhiều hãng trúng thầu nhưng cũng không cung cấp đủ vật tư vì nhập rất khó”.
Bệnh nhân đến khám tại BV Hữu nghị Việt Đức
Vị bác sĩ này cho biết thêm, hiện bệnh viện phải chia 3 nhóm bệnh nhân để có xử trí phù hợp. Nhóm một là bệnh nhân cấp cứu không thể trì hoãn bắt buộc phải mổ cấp cứu ngay; thứ 2 là nhóm bệnh nhân nặng mổ càng sớm càng tốt và thứ 3 là nhóm bệnh nhân có thể trì hoãn được.
Với nhóm 1, các bác sĩ phải mổ cấp cứu, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong. Đây là nhóm bệnh nhân BV Hữu nghị Việt Đức ưu tiên hàng đầu.
Ở nhóm thứ 2, tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ cân nhắc vì bệnh nhân nặng sẽ phải làm xét nghiệm sau mổ rất nhiều lần, vật tư tiêu tốn bằng 3-4 bệnh nhân nhẹ. Tuy nhiên, hiện các hóa chất để làm các xét nghiệm sau mổ cũng rất hạn chế.
Các bác sĩ tại BV Hữu nghị Việt Đức đã cố gắng khắc phục tình trạng thiếu dần vật tư, trang thiết bị thiết yếu trong một thời gian dài. “Nhiều ca mổ nội soi cần 3 - 4 dụng cụ, nhưng thiếu, chúng tôi phải hấp lại đồ cũ, hoặc tôi phải dùng đồ cá nhân của mình, không thể yêu cầu bệnh nhân mua vật tư, hóa chất ở ngoài mang vào”, bác sĩ cho hay.
Bệnh viện cũng đang thiếu hóa chất là khí máu, trong khi đây là loại hóa chất rất quan trọng. Bởi tất cả bệnh nhân hồi sức tích cực, thở máy đều phải theo dõi khí máu, có nghĩa là theo dõi nồng độ oxy và nồng độ khác trong máu hoặc các loại khí để điều chỉnh thuốc. Nếu thiếu hóa chất khí máu, bác sĩ sẽ không biết bệnh nhân đang rơi vào tình trạng nào để kịp thời xử lý, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Tương tự với việc thiếu thuốc chống đông, nếu mổ bệnh nhân thay khớp gối, khớp háng, bệnh nhân mạch máu, bệnh nhân thay van tim mà thiếu thuốc này dễ dẫn đến tắc mạch, nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi, nguy cơ phải cắt cụt chân hoặc tử vong.
Việc 2/3 các khoa tại BV Hữu nghị Việt Đức phải mổ cầm chừng, hoãn mổ phiên có thể ảnh hưởng đến qua trình điều trị của người bệnh.
“Chúng tôi không thể làm gì khác nữa khi tình trạng chung là thiếu vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế. Chúng tôi phân chia nhau quản lý các nhóm bệnh nhân, gọi điện để tư vấn cho từng trường hợp để chờ vật tư, hóa chất và cho đơn thuốc điều trị tạm thời trong giai đoạn chờ đợi”, vị bác sĩ nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế khẩn trương giải quyết 3 vấn đề lớn nhằm gỡ khó tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc, trang thiết bị trong các bệnh viện.
Thứ nhất, Bộ Y tế tham mưu, đề xuất Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết 80 cho phép gia hạn đăng ký tuổi thuốc đến hết năm 2024 để phần nào giải quyết trình trạng thiếu thuốc, thuốc đến hạn.
Thứ hai, Bộ đã dự thảo và trình Chính phủ nghị định 98 sửa đổi. Khi nghị định này ban hành sẽ giải quyết được căn cơ nội dung liên quan đến việc cung ứng trang thiết bị vật tư y tế như các bệnh viện lớn Việt Đức, Chợ Rẫy, Bạch Mai... đang gặp phải.
Thứ ba, Bộ Y tế dự thảo Nghị định 146 sửa đổi về thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và rà soát các văn bản có liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Y tế và Bảo hiểm y tế đang rà soát, hướng dẫn các cơ sở thanh toán nợ đọng bảo hiểm y tế của năm 2018, 2019, 2020, 2021. Hai đơn vị thống nhất thanh quyết toán số kinh phí này cho các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. Tổng kinh phí khoảng 2.500 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận