Fanpage “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” đã ra đời khi ca Covid-19 tại Hà Nội tăng không ngừng.
Hàng nghìn F0 đã được tư vấn, cung cấp những thông tin hữu ích, giúp họ bớt hoang mang, vững tâm trị bệnh.
BS Hoàng Thanh Tuấn là người lập ra group với hy vọng chia sẻ thông tin chính xác, hữu ích và giúp đỡ các bệnh nhân F0
Sau 10 ngày, gần 50 nghìn người follow
Bắt đầu từ tháng 12, Hà Nội liên tiếp gia tăng các ca mắc mới ngoài cộng đồng, từ chỗ chỉ hơn 100, đến nay có ngày đã vượt mức 1.800 ca. Số ca mắc mới tăng không ngừng cũng đồng nghĩa với số ca F0 chưa hoặc khó tiếp cận với cơ sở y tế cũng dần tăng lên.
Trong nhiều hội nhóm mạng xã hội, rất nhiều F0 hỏi han, tìm hiểu thông tin về cách ly, điều trị, sử dụng thuốc gì… Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin như vậy chỉ khiến các F0 thêm rối, vì không ai dám chắc đó có phải là thông tin chính thống hay không.
So với TP.HCM thời điểm nóng nhất thì Hà Nội có sự khác biệt, vì đến nay Hà Nội đã kịp tiêm phủ rộng 2 mũi vaccine cho người dân nên triệu chứng của các F0 nhẹ nhàng hơn, thời gian âm tính trở lại cũng ngắn hơn… Rất hy vọng số ca tử vong vì Covid-19 tại Hà Nội sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất.
BS. Trần Quang Phú, admin Fanpage nhóm bác sĩ quân y
Nắm bắt được điều này, BS. Hoàng Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia cùng các đồng nghiệp nhanh chóng lập Fanpage “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà”.
Nhóm huy động sự tham gia của nhiều bác sĩ ở các chuyên ngành khác nhau, với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các F0, F1 điều trị tại nhà.
Là người phối hợp cũng BS. Tuấn ngay từ đầu, BS. Trần Quang Phú, công tác tại Khoa trị bỏng người lớn, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, khi tham gia chống dịch ở TP.HCM, tổ cơ động của anh quản lý đến 500 - 600 F0 điều trị tại nhà.
Để có thể chăm sóc hiệu quả cho tất cả các bệnh nhân, việc sử dụng mạng xã hội và đường dây nóng được áp dụng.
“Về Hà Nội, chứng kiến số F0 tăng chóng mặt, chúng tôi nghĩ ngay tới việc lập nhóm hoạt động thiện nguyện, tư vấn online cho các F0 chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời”, BS. Tuấn nói và cho biết, từ chỗ ban đầu chỉ có 5 người, đến nay nhóm đã thu hút hàng chục bác sĩ quân, dân y nhập cuộc.
Số người biết đến nhóm và nhờ hỗ trợ cũng tăng dần. Chưa đầy chục ngày, trang Fanpage đã có hơn 50 nghìn người tham gia, trong đó có nhiều F0, F1.
Một trong số đó là chị Nguyễn Xuân P. (quận Long Biên, Hà Nội). Chị P. cho biết, khi hai vợ chồng cùng trở thành F0 thì hai con nhỏ vẫn âm tính. Chị định gửi các con nhờ ông bà ngoại chăm sóc, nhưng vẫn băn khoăn.
“Được người bạn giới thiệu vào nhóm, tôi liền nhờ tư vấn và được bác sĩ phân tích, các con nguy cơ nhiễm rất cao, không nên đưa về ông bà.
Nhờ vậy chúng tôi kịp thời quyết định giữ 2 con ở lại, vì chỉ 2 ngày sau, các cháu đều xét nghiệm nhanh dương tính. Triệu chứng cũng khá nhẹ, nhờ được các bác sĩ tư vấn cách chăm nên giờ cũng ổn cả rồi”, chị P. kể.
Còn với anh Trần Thanh H. (trú quận Đống Đa), khi Hà Nội bùng dịch, gia đình anh cũng sắm đủ các loại thuốc dự phòng.
Thế nhưng khi trở thành F0, cả nhà anh có 3 người lây nhau, mỗi người một triệu chứng thì việc sử dụng thuốc nào khiến cả nhà bối rối.
“Đọc được thông tin nhóm bác sĩ quân y, tôi chủ động liên lạc và được hỗ trợ ngay. Sau 5 ngày, các triệu chứng đều đã lui, sức khỏe cũng hồi phục tốt. Lúc bối rối nhất, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất đáng quý”, anh H. chia sẻ.
Mỗi ngày tư vấn hàng trăm cuộc gọi
Bệnh nhân gửi lời cảm ơn sau 10 ngày được thành viên nhóm Bác sĩ quân y tư vấn, điều trị tại nhà khỏi bệnh
BS. Thanh Tuấn cho biết, dù mới lập nhóm nhưng hiện trung bình mỗi ngày anh nhận khoảng 50 cuộc gọi nhờ tư vấn, thậm chí có ngày con số lên đến gần 100 cuộc.
Tương tự với BS. Phú, mỗi ngày anh tư vấn khoảng 30 - 50 cuộc gọi bao gồm cả Zalo, Facebook, điện thoại… Trong đó, không ít gia đình quá nửa thành viên hoặc cả nhà cùng nhiễm Covid-19.
Không chỉ tư vấn điều trị bệnh, BS. Phú cho biết, có nhiều tình huống anh còn tư vấn về tâm lý cho người bệnh, vì không ít F0 có biểu hiện hoang mang, lo lắng.
Do không phải trường hợp nào cũng có thể tư vấn ngay được, chính vì vậy các bác sĩ lập nhóm chuyên môn, thảo luận kỹ để có được câu trả lời tốt nhất cho người bệnh.
“Mỗi ngày cả trăm bệnh nhân liên lạc, nhưng may mắn hầu hết đều có dấu hiệu nhẹ, chưa gặp trường hợp nào có hiện tượng tuột oxy, hay chuyển nặng”, BS. Tuấn kể.
Nhắc lại những ngày chống dịch ở TP.HCM, cả BS. Tuấn và BS. Phú đều đau đáu với những trường hợp F0 tiếp cận y tế chậm dẫn tới việc điều trị không kịp thời, cuối cùng tử vong.
“Ở giai đoạn đó TP.HCM cả hệ thống y tế quá tải, nên cũng có ca F0 khi chúng tôi tiếp cận được thì đã mất rồi. Chứng kiến sự ra đi của người thân vì bệnh dịch khiến nhiều người sốc nặng, việc của chúng tôi lúc đó lại là can thiệp về tâm lý cho họ.
Việc F0 được tiếp cận y tế càng sớm càng tốt sẽ mang lại hiệu quả trong điều trị, ổn định tâm lý. Đó là mong muốn mà nhóm muốn thực hiện ở thời điểm này”, BS. Phú chia sẻ.
Một thành viên khác của nhóm là BS. Trần Đức Huynh, hiện vẫn đang chống dịch tại TP.HCM, chia sẻ: “Chúng tôi chia nhau ra, phân nhau theo từng giờ. Ai rảnh giờ nào thì đăng ký giờ đó. Ai phụ trách mảng gì, hỗ trợ cho các F0 như thế nào... Nguyên tắc của chúng tôi là không hỗ trợ cấp cứu điều trị. Các tình huống cấp cứu, bệnh nhân phải gọi cho cơ sở điều trị cho F0”.
Vừa đảm nhiệm công tác chuyên môn ở đơn vị, vừa tham gia tư vấn, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, nên quỹ thời gian nghỉ ngơi của những chiến sĩ quân y càng hạn hẹp. Thay vì những buổi nghỉ trưa hay thời gian dành cho gia đình sau mỗi giờ tan làm, họ lại miệt mài với những cuộc gọi, tin nhắn trả lời F0 hoặc người nhà F0.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận