Đường bộ

Bài 5: Các tỉnh Đông Nam Bộ tăng tốc đầu tư hạ tầng giao thông

21/12/2021, 20:09

Các địa phương đang tăng tốc đầu tư hạ tầng giao thông, điều này thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản, du lịch vùng.

Các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ đang tăng tốc đầu tư hạ tầng, nâng cấp nhiều tuyến đường liên tỉnh.

LTS: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để tạo nền móng cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, thực tế đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được đòi hỏi phát triển.

Tới đây, thực hiện các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ có sự đầu tư đột phá về hạ tầng giao thông, từ đó tạo cơ hội, động lực phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Báo Giao thông xin giới thiệu tới độc giả loạt bài cho thấy sự cần thiết đầu tư lớn cho hạ tầng thúc đẩy vùng kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 22/12, Báo Giao thông sẽ tổ chức tọa đàm về chủ đề này tại 35 Hàn Thuyên, TP.HCM với sự tham gia của đại diện các địa phương, cơ quan quản lý, nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế. Kính mời độc giả quan tâm theo dõi.

Bắt tay kết nối giao thông

Để phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh trong giai đoạn 2021- 2025, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết sẽ tập trung phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm.

img

Toàn cảnh The Tropicana - tại Nova World Hồ Tràm thuộc tình Bà Rịa Vũng Tàu

Bình Dương vừa qua đã chủ động phối hợp với các tỉnh, TP.HCM để triển khai các dự án giao thông trọng điểm của vùng như vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, kéo dài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên về Dĩ An, ga lập tàu và bãi hàng An Bình.

Triển khai hoàn thành các hệ thống giao thông trọng điểm theo trục Bắc - Nam như vành đai 4, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng…

Việc hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị của Bình Dương và thiết lập kết nối với các tỉnh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế vùng mà góp phần nâng cao đời sống của người dân, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Bình Dương đi TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai.

Tương tự, tại Đồng Nai hiện đang triển khai hàng loạt các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 như: Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa, đường ven sông Cái, đường vành đai 3, các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành...

Theo giám đốc Sở GTVT Đồng Nai, chỉ tính riêng năm 2021 Đồng Nai đặc biệt tập trung vào 2 dự án giao thông trọng điểm là Hương lộ 2 và cầu Vàm Cái Sứt. Cả hai dự án này dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2022.

Cũng trong năm nay, Đồng Nai đã gấp rút hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho một số dự án lớn như: Đường vành đai 3, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường vào cảng Phước An, đường liên cảng...

Riêng đoạn 1A dự án Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 TP.HCM qua Đồng Nai có chiều dài 6,3km, hiện Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành GPMB để sẵn sàng khởi công vào đầu 2022.

Đoạn 1A có chiều dài 8,75km, trong đó có một cầu lớn bắc qua sông Đồng Nai để nối từ tỉnh lộ 25B (Nhơn Trạch) sang TP Thủ Đức. Tổng vốn đầu tư dự án gần 5.300 tỷ đồng từ vốn ODA Hàn Quốc. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ góp phần rút ngắn hành trình từ Nhơn Trạch đến TP.HCM và Bình Dương.

Cơ hội cho ngành du lịch và bất động sản

Cùng với đó, để phục vụ cho hệ thống giao thông kết nối với sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đang triển khai công tác GPMB, thu hồi đất để xây dựng 2 tuyến đường số 1 và 2. Đây là các hạng mục thuộc dự án thành phần 3 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Được biết hiện tỉnh Đồng Nai cũng đã quy hoạch mở mới 4 tuyến đường kết nối đến khu vực sân bay Long Thành.

Cụ thể như đường ĐT.770B với chiều dài 53km, vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng sẽ được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Đường ĐT.773B dài hơn 51 km, tổng kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng. Đường ĐT.780B từ Quốc lA, huyện Trảng Bom đến đường Sông Nhạn - Dầu Giây thuộc huyện Cẩm Mỹ. Đường ĐT.763B từ quốc lộ 56 thuộc huyện Cẩm Mỹ đến nút giao giữa đường huyện Suối Quýt và đường Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường thuộc huyện Long Thành.

img

Khách tham quan sa bàn Nova World Hồ Tràm

Tương tự, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, với chủ trương phát triển mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh tập trung nguồn lực xây dựng các tuyến hạ tầng giao thông nhằm hoàn thiện hành lang công nghiệp, cảng biển, hậu cần cảng, dầu khí dọc QL 51 và đô thị mới Phú Mỹ.

Ngoài ra tỉnh cũng đang tập trung khởi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong đó có nhánh kết nối xuống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án trọng điểm để giảm tải cho quốc lộ 51. Dự kiến, giai đoạn một sẽ đầu tư 38 km đường cao tốc từ Biên Hòa đến thị xã Phú Mỹ và 8,8 km đường nhánh nối vào cảng Cái Mép - Thị Vải.

Khi hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản, du lịch thực hiện các dự án lớn.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dọc theo cung đường ven biển Vũng Tàu - Hồ Tràm - Bình Châu, các ông lớn trong lĩnh vực bất động sản như Novaland, Hưng Thịnh, Charm Group… đang triển khai các dự án bất động sản nghỉ dưỡng với quy mô hàng tỉ USD.

Cụ thể như tổ hợp Grand Hồ Tràm Strip, Hyatt Regency, NovaWorld Ho Tram, Ho Tram Complex.

Việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, đang tạo lực đẩy mạnh mẽ cho du lịch và đầu tư bất động sản trong những năm tới.

Bài 1: Quốc lộ 51 - Kẹt xe, kẹt cả sinh kế

Bài 2: Hạ tầng cản trở phát triển kinh tế liên vùng

Bài 3: Cần đột phá đầu tư hạ tầng cho tam giác kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu

Bài 4: Cấp thiết xây cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Còn tiếp

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.