Bước ngoặt đó như một bài học đắt giá không chỉ với các em mà cả các bậc làm cha mẹ.
Vướng lao lý vì gây tai nạn chết người
Tình trạng học sinh điều khiển xe máy, vi phạm các quy định Luật Giao thông đường bộ diễn ra phổ biến, đã có rất nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra. Ảnh minh họa: Tạ Hải
TAND huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) vừa tuyên phạt N.V.D (SN 2005, trú tỉnh Hà Tĩnh) 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 16 tháng về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Tối 16/10/2022, trên tuyến QL15B thuộc địa phận thôn Bắc Dinh, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, D. điều khiển xe máy điện đi trên đường nhưng do không chú ý quan sát, không đi với tốc độ phù hợp nên đã gây tai nạn với người đi bộ là ông Phan Công H. (trú huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Hậu quả, ông H. tử vong.
Tại phiên tòa, D. vóc dáng còn nhỏ, gương mặt hiền lành và đượm buồn. Thời điểm gây tai nạn, D. mới 17 năm 6 tháng tuổi, là học sinh giỏi của trường, tương lai rộng mở. Bố mẹ D. cũng có mặt tại phiên xét xử, nước mắt rưng rưng xót xa nhìn về phía con mình.
Nhờ sự thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người đại diện của bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, gia đình bị cáo cũng đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, cùng nhiều thành tích xuất sắc trong học tập… nên D. được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, vụ tai nạn đã ảnh hưởng nhiều đến tương lai và tâm lý của D.
Trước đó, TAND huyện An Lão (tỉnh Bình Định) cũng mở phiên tòa xét xử B.A.T. về tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”. Thời điểm gây tai nạn, T. đang là học sinh, chưa có giấy phép lái xe.
Hôm đó là chiều 5/6/2020, sau khi uống rượu tại quán cháo vịt thì T. về nhà. Nhận được điện thoại của bạn rủ lên trung tâm huyện chơi, T. đi bộ đến nhà người chú ruột gần đó để mượn xe, nhưng không có ai ở nhà.
Thấy chiếc xe máy đang để ở ngoài cửa, T. tự lấy đi. Khi đang chạy xe trên Đường tỉnh 629, T. đâm xe vào bà B. (là 1 giáo viên) đang đi bộ sang đường khiến nạn nhân chấn thương sọ não, tử vong 3 ngày sau đó.
Tại phiên xét xử, T. khóc nức nở, không trả lời hết các câu hỏi của thẩm phán. Với hàng loạt vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX tuyên phạt T. mức án 16 tháng tù.
Trước đó, vào năm 2022, N.V.L (SN 21/5/2008, là con cả trong một gia đình kinh doanh nhỏ tại huyện An Lão, Hải Phòng được bố mẹ sắm cho một chiếc xe gắn máy để tiện cho việc học hành khi vào cấp 2. Ngày 2/11/2022, L. chạy xe trên đường liên xã qua nhà bạn chơi.
Khi vào cua, do không làm chủ được tay lái, L. gây tai nạn khiến người đi xe đạp là bà Đ.T.V. tử vong, còn L. bị gãy chân. L. sau đó cũng đã phải nhận bản án nghiêm khắc.
Thương con hóa hại con
Một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hải Phòng, từng nhiều lần bắt giữ các đối tượng là học sinh điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, mang theo hung khí chia sẻ: “Ở lứa tuổi vị thành niên, các em chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Vì chưa được đào tạo, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe nên các kỹ năng lái xe an toàn cũng như hiểu biết về luật gần như không có. Điều này rất nguy hiểm”.
Tình trạng thiếu niên điều khiển mô tô, xe máy đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước. Những ngày cuối tháng 3/2023, đi cùng các chiến sỹ CSGT Công an TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thực hiện chuyên đề kiểm tra học sinh điều khiển xe máy, PV chứng kiến nhiều cảnh đáng báo động.
Nhiều học sinh dù đang mặc đồng phục học sinh nhưng vô tư điều khiển xe máy “kẹp 3”, không đội mũ bảo hiểm. Khi bị kiểm tra, nhiều chiếc xe do học sinh điều khiển có những dấu hiệu bất thường như chắn bùn sau, ống bô, chân chống xe mòn vẹt. Các học sinh này vô tư khai: “Mấy anh rủ cháu bốc đầu xe, vỉa xe khiến chân chống, ống bô xe bị xước”.
Theo một cán bộ CSGT TP Hạ Long, nhiều gia đình cho rằng, bỏ ra một số tiền hơn chục triệu đồng để sắm cho con cái một chiếc mô tô sẽ giúp con cái đỡ vất vả và mất thời gian trong việc đi lại, tập trung vào chuyện học tập. Tuy nhiên, nếu không quản lý giám sát chặt chẽ sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
“Có trường hợp khi được mời lên làm việc, phụ huynh mới tá hỏa vì khi mua xe cho con mà không biết rằng chỉ vì đua đòi mà con bỏ học, theo chúng bạn tụ tập lạng lách, đánh võng để cuối cùng bị bắt. Thương con như vậy chẳng khác gì hại con”, vị này kể.
Tương tự, tại Hải Phòng tình trạng học sinh điều khiển mô tô, xe máy tụ tập gây náo loạn đường phố cũng diễn ra khá phổ biến. Đáng chú ý, tổ công tác HP22 (tổ công tác đặc biệt Công an TP Hải Phòng) đã tuần tra kiểm soát, phát hiện nhiều nhóm thanh, thiếu niên chạy xe máy, mang theo hung khí, có biểu hiện tụ tập đánh nhau.
Có những em khi bị bắt giữ mới 15 - 16 tuổi, nhưng đã tụ tập điều khiển xe lạng lách, mang hung khí. Các thanh, thiếu niên này cho biết, tụ tập điều khiển xe máy, mang hung khí “đi dạo”, nếu phát hiện đối thủ thì đánh nhau.
Luật sư Đỗ Hoàng Dương (Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng):
Án dù nhẹ cũng sẽ là “vết đen”
Quá trình tham gia các vụ án, chúng tôi gặp nhiều hoàn cảnh đáng thương. Có những bị cáo khi bị đưa ra xét xử về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, bị cáo run rẩy, vì lẽ ra đang cắp sách tới trường thì lại phải đứng trước tòa.
Tại các phiên tòa, liên quan đến học sinh điều khiển phương tiện làm chết người, HĐXX cũng xem xét các yếu tố như bị cáo ở tuổi vị thành niên, phạm tội trong trường hợp vô ý để lượng hình, giảm nhẹ hình phạt. Tuy vậy, dù là mức án nào thì đó cũng là một “vết đen” trong lý lịch, đồng thời là nỗi ám ảnh với các em.
Tình trạng học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết vẫn là sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình và nhận thức chưa cao của các em học sinh.
Do vậy, để chấm dứt tình trạng này, đã đến lúc mỗi phụ huynh cần nghiêm khắc hơn nữa trong việc giáo dục con trẻ. Bên cạnh công tác phối hợp với nhà trường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp xử lý nghiêm học sinh đi mô tô, xe máy đến trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận